Bộ Công Thương ban hành Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025

      Ngày 31 tháng 12  năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Quyết định số 3620/QĐ-BCT về việc phê duyệt Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 – 2025. Đề án giai đoạn 2021 – 2025 được xây dựng dựa trên những kế thừa và kết quả của “Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2018 – 2020”, đồng thời hướng đến các mục tiêu dài hạn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà Đảng và Nhà nước đã đạt trong những năm vừa qua.

     Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát xao. Một trong những chương trình cụ thể nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”.

    Việc triển khai Đề án giai đoạn 2018-2020 đã đạt được một số kết quả nhất định, từ đó cho thấy hiệu quả, ý nghĩa cũng như sự cần thiết của Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng

Trên cơ sở kế thừa kết quả phát triển của Đề án giai đoạn 2018 – 2020, Đề án giai đoạn 2021 – 2025 được xây dựng nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì người tiêu dùng của doanh nghiệp; tạo điều kiện, cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng; thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng giá trị thương hiệu, đồng thời, định hướng để người tiêu dùng có thể lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, mức độ tin cậy cao đối với người tiêu dùng, lựa chọn những hàng hóa, dịch vụ chất lượng, an toàn, tiết kiệm và giảm thiểu tác hại tới môi trường.

Tại Đề án, Bộ Công Thương đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể cùng với giải pháp triển khai cho từng thời gian nhất định, cụ thể như:

  • Xây dựng Bộ tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”;
  • Xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho các hoạt động của Đề án;
  • Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội về Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng;
  • Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng;
  • Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng đáp ứng Bộ tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”.

 Khi Đề án được triển khai thực hiện, không chỉ các doanh nghiệp tham gia Đề án được hưởng lợi mà người tiêu dùng cũng như cộng đồng cũng sẽ có những lợi ích không nhỏ do hoạt động Đề án mang lại. Doanh nghiệp được tuyên truyền phổ biến về Chương trình và “Bộ tiêu chí đánh giá Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”; được hướng dẫn, hỗ trợ điều chỉnh hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao thang điểm được đánh giá theo quy định tại Bộ tiêu chí, từ đó doanh nghiệp được người tiêu dùng ghi nhận, tin tưởng. Mặt khác, Đề án còn giúp cho người tiêu dùng được tham gia giám sát doanh nghiệp thực hiện Chương trình; phản ánh thực trạng hoặc đóng góp ý kiến về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp; được thụ hưởng các quyền và lợi ích cao hơn khi mua và sử dụng các hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp tham gia vào chương trình sau khi doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh hướng đến vì người tiêu dùng.

Đề án được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước từ cấp trung ương tới địa phương, tổ chức xã hội và các đơn vị báo chí truyền thông khác.... Cục CT&BVNTD, Bộ Công Thương được giao là đơn vị chủ trì. Các đơn vị phối hợp không chỉ giới hạn trong Bộ Công Thương mà còn là các đơn vị ngoài Bộ Công Thương như Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Công Thương); tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Hội Bảo vệ người tiêu dùng tại các địa phương trong cả nước); các đơn vị báo chí, truyền thông trong cả nước; các hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các tin khác