Tiêu chí về chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và mô hình kinh doanh vì người tiêu dùng
Để được xem xét công nhận là Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ, doanh nghiệp cần xác định lập trường về chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng mô hình kinh doanh vì người tiêu dùng.
Doanh nghiệp phải thông qua và phổ biến Tuyên bố về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuyên bố phải chứa đựng nội dung rõ ràng về tầm nhìn của doanh nghiệp, nêu rõ các quan điểm của doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp đối với hoạt động vì người tiêu dùng, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại doanh nghiệp.
Tuyên bố phải được phổ biến rộng rãi, được niêm yết toàn văn hoặc tóm tắt các ý tưởng chính tại các địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, và người lao động của doanh nghiệp phải nắm bắt được.
Tiêu chí về năng lực triển khai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tiêu chí này đánh giá nguồn lực và khả năng sẵn sàng sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp bán lẻ trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
+ Doanh nghiệp phải có Kế hoạch 05 năm về phát triển nguồn nhân lực trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung Kế hoạch phải thể hiện lộ trình bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả tư vấn, chăm sóc khách hàng và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp phải giải trình được thông qua minh chứng thực tế về việc thực hiện kế hoạch trong 03 năm trước đó.
+ Doanh nghiệp phải có Kế hoạch 05 năm về phân bổ nguồn lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp phải giải trình được thông qua minh chứng thực tế về việc thực hiện kế hoạch trong 03 năm trước đó./.