Hiện nay, khái niệm “đồng kiểm hàng hóa” chưa được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
“Đồng kiểm hàng hóa” là một khái niệm trong lĩnh vực vận tải và logistics, thường được áp dụng trong quá trình kiểm tra và xác nhận tính chính xác của hàng hóa được vận chuyển từ một bên gửi (người bán) đến một bên nhận (người mua).
Thuật ngữ “đồng kiểm hàng hóa” trong thương mại điện tử thường được sử dụng để chỉ việc hàng hoá được kiểm tra thông tin và đồng thuận thông tin từ nhân viên giao nhận và người bán trước khi tiến hành xử lý vận đơn tới khách hàng. Sau đó, quá trình này tiếp tục được thực hiện giữa người nhận (người mua) và nhân viên giao nhận bằng việc mở gói hàng kiểm tra trước khi nhận. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ thu hộ thì khách sẽ thanh toán khi đồng kiểm thành công (ship COD).
Hiện nay, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không quy định trách nhiệm bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách đồng kiểm khi cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng, bao gồm cả các giao dịch trên không gian mạng.
Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về phương thức, thời hạn giao hàng, phương thức vận chuyển.
Điểm b khoản 3 Điều 39 Luật BVQLNTD năm 2023 cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có trách nhiệm “Xây dựng, công bố công khai quy chế hoạt động của nền tảng số trung gian cho người tiêu dùng, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch”. Trong đó, quy chế hoạt động của nền tảng số trung gian về cơ bản sẽ bao gồm cả chính sách về giao nhận, vận chuyển hàng hóa được kinh doanh trên sàn.
Đồng thời, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử đã bổ sung trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân trong việc công bố công khai về “chính sách kiểm hàng” trên website như là một trong các nội dung của điều kiện giao dịch chung đối với hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website tại khoản 13 Điều 1.
Việc công bố thông tin về chính sách kiểm hàng, tức là cho phép người tiêu dùng được biết trước thông tin về việc đơn hàng của họ có được áp dụng chính sách đồng kiểm hay không cũng giúp người tiêu dùng đảm bảo quyền lợi của mình tốt hơn trong việc cân nhắc, quyết định lựa chọn giao dịch với nhà bán, sàn giao dịch TMĐT; được đổi, trả hàng hóa trong trường hợp phát sinh lỗi hỏng hóc, móp méo, không đúng số lượng, chất lượng đã đặt tại thời điểm kiểm hàng; rút ngắn quy trình đổi, trả hàng hóa phát sinh do lỗi của nhà bán hoặc đơn vị vận chuyển…
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử đối với người tiêu dùng do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức ngày 14 tháng 12 năm 2023 và được phát song trên kênh VTC14 vào ngày 19 tháng 12 năm 2023, ông Nguyễn Bình Minh – Trưởng ban Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng minh bạch thông tin là yếu tố quan trọng không chỉ trong thương mại điện tử mà còn trong cả thương mại truyền thống. Sàn giao dịch thương mại điện tử muốn thể hiện mình là thương hiệu lớn, minh bạch thông tin trong các giao dịch của mình thì đương nhiên họ phải chấp nhận quá trình đồng kiểm và không giấu diếm thông tin để mang lại trải nghiệm thoải mái, yên tâm cho khách hàng, người tiêu dùng. Chính vì vậy, thời gian qua, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam luôn hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử nên thực hiện chính sách “đồng kiểm hàng hóa”. Mặc dù, đồng kiểm trên diện rộng, với số lượng giao dịch khổng lồ cũng có thể dẫn đến tiêu tốn về nguồn lực, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử, ông Minh cho rằng vẫn nên thực hiện đồng kiểm hàng hóa.
Đại diện cho Công ty TNHH Shopee – một trong các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, ông Phan Mạnh Hà khẳng định chính sách đồng kiểm hàng hóa tạo niềm tin và sự minh bạch hóa thông tin cho người tiêu dùng. Nếu như trước đây, tại Việt Nam, đồng kiểm hàng hóa chỉ là thỏa thuận đơn lẻ giữa một số người bán và người mua đối với từng giao dịch cụ thể, thì thời gian gần đây, Shopee đã đồng loạt triển khai chính sách đồng kiểm trên toàn sàn, minh bạch thông tin đến nhiều điểm “trạm”. Việc triển khai chính sách đồng kiểm hàng hóa của Shopee xuất phát từ nhu cầu của người mua, được sự hỗ trợ, chấp thuận của người bán cũng như sự phối hợp nhịp nhàng của đơn vị vận chuyển, người giao hàng. Thời gian đầu khi mới triển khai chính sách đồng kiểm hàng hóa trên toàn sàn Shopee cũng có nhiều bỡ ngỡ, như liệu rằng có ảnh hưởng đến quá trình vận hành thông suốt trong thực hiện giao dịch hay không, có làm phát sinh chi phí của người bán trên sàn hay không, tuy nhiên, với nỗ lực tối ưu hóa nguồn lực một cách hiệu quả của Shopee, quá trình thực hiện đồng kiểm đối với các giao dịch trên sàn Shopee đã diễn ra suôn xẻ, thuận lợi.
Mặc dù đồng kiểm hàng hóa chưa bắt buộc phải thực hiện theo quy định hiện hành, tuy nhiên, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử áp dụng và thực hiện chính sách đồng kiểm hàng hóa, Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xây dựng đã thiết lập khoảng 10 tiêu chí liên quan đến chính sách đồng kiểm hàng hóa, cụ thể như:
Như vậy, rõ ràng, với những tiêu chí như trên, doanh nghiệp nào thực hiện tốt chính sách đồng kiểm hàng hóa sẽ thể hiện được trách nhiệm của mình với người tiêu dùng, tạo dựng được uy tín, sự tin cậy không chỉ từ người tiêu dùng, mà còn từ các đối tác kinh doanh của mình, từ đó tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững./.