Đừng dễ dãi khi mua hàng trực tiếp để tránh bị mắc lừa

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, người dân đều ưu tiên lựa chọn mua sắm trực tiếp, trong đó có mua sắm trực tuyến nhằm hạn chế tập trung đông người. Nhưng làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua bán qua mạng vẫn đang là bài toán khó cần có lời giải.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thực tế cho thấy, mua hàng online tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Thời gian qua, những vụ lừa đảo vài chục triệu đồng hay vài trăm triệu đồng thông qua bán hàng trực tuyến không ít. Đặc biệt, những vụ lừa đảo có giá trị kinh tế nhỏ hơn diễn ra khá nhiều. Đơn cử, chị Nguyễn Thu Lan, ở phường Ngô Gia Tự (quận Long Biên), chia sẻ: “Ngày nào mở Facebook cũng thấy nhiều nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng quảng cáo tự xuất hiện trên trang cá nhân của mình. Tôi đã thử mở một số trang để xem sản phẩm, thấy có số điện thoại, gọi thì người bán cho biết có thể đổi trả nếu mua sản phẩm nhưng không ưng. Vì thế nên tôi đặt mua quần áo và giày, nhưng về mở gói hàng ra thì hoàn toàn không đúng màu sắc và chất lượng như hình ảnh và lời giới thiệu trên Facebook…”.

Các phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi, người mua khó phân định thật giả như: Không có kho hàng hay cửa hàng mà chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi, giao hàng với số lượng nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và yêu cầu khách đặt cọc, thanh toán qua trung gian, thậm chí khéo léo dụ dỗ khách thanh toán hết mới chuyển hàng… Các thủ đoạn này không mới nhưng vẫn dễ khiến khách hàng “sập bẫy” do mất cảnh giác.

Nâng cao nhận thức của người dân

Bình thường khi đi chợ dân sinh, mọi hoạt động mua bán đều được người mua e dè hay lựa chọn một cách kỹ càng. Thế nhưng, khi mua hàng trực tuyến thì nhiều người tiêu dùng lại tỏ ra khá “dễ dãi” khi lựa chọn sản phẩm được chụp và đưa lên mạng chủ yếu theo cảm tính. Chính vì vậy, nhiều người đã phải ôm “quả đắng” khi mua phải sản phẩm trên mạng ở những cửa hàng trực tuyến không có uy tín.

Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) lưu ý, thực phẩm bán online chủ yếu được chế biến tại hộ gia đình. Với quy mô chế biến nhỏ lẻ, không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, thực phẩm được bán online tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc. Hơn nữa, với phương thức sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, nhiều hộ chế biến thực phẩm không đủ trang thiết bị để bảo quản, không đủ kiến thức về dinh dưỡng, chưa kể đến sự hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào…

Để tránh mua phải hàng hóa kém chất lượng qua mạng Internet, cần nâng cao nhận thức mua hàng trực tuyến cho người dân. Khi tìm hiểu để mua sản phẩm, người tiêu dùng cần xem xét mức độ uy tín của cửa hàng, người bán. Ngoài ra, có thể đặt hàng ít để kiểm tra chất lượng trước, thay vì đặt toàn bộ khối lượng đơn hàng một lúc.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Bộ Công Thương đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những trang thông tin điện tử (website) đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; thông tin về điều kiện giao dịch chung như: Đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng và các thông tin cần thiết khác.

Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về bên bán, xem xét về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, chỉ nên mua những hàng hóa đã được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra về an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không nên mua ở những trang mạng không có thông tin người bán và không có thông tin liên hệ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng qua mạng xã hội.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải nâng cao cảnh giác, trong đó lưu ý các vấn đề sau: Hạn chế việc chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán. Đối với hàng hóa có giá trị cao, cần hạn chế việc nhận và chuyển hàng qua các dịch vụ vận chuyển. Cần trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua. Kiểm tra kỹ các thông tin như website bán hàng, tài khoản rao vặt, nguồn gốc hàng hóa xem có nhiều khiếu nại về các thông tin này hay không? Bên cạnh đó, nếu chẳng may là nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo bán hàng trên, cần thông tin cho các cơ quan chức năng và các diễn đàn thương mại điện tử để cảnh báo cho mọi người.

Có thể nói, hoạt động lừa đảo qua mạng bằng nhiều hình thức, trong đó có bán hàng trực tuyến ngày càng phức tạp. Do vậy, mỗi người trước khi quyết định mua sắm trực tuyến, cần lựa chọn địa chỉ uy tín, danh tính người bán rõ ràng, hình thức thanh toán minh bạch. Đặc biệt thận trọng, cảnh giác trước các website ảo, không được cấp phép nhưng yêu cầu quá cụ thể, chi tiết các thông tin cá nhân của khách hàng. Đây chính là “cẩm nang” cho người mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng đừng nên “dễ dãi” khi mua hàng trực tiếp, trực tuyến để tránh bị mắc lừa.

Nguồn tham khảo:

(1) http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/939068/mua-sam-online-khong-canh-giac-de-bi-lua

(2) https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/1018964/khong-nen-de-dai-khi-mua-thuc-pham-online