Trên thị trường cạnh tranh tự do, các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh để tồn tại. Cạnh tranh là động lực phát triển của doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực để đạt được lợi thế so với đối thủ cạnh tranh. Nhưng cũng chính vì lý do đó, không ít các doanh nghiệp đã nhìn nhận cạnh tranh như một mối hiểm họa đối với khả năng thu lợi nhuận cũng như sự tồn vong của doanh nghiệp. Vì vậy, thay vì nỗ lực điều chỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển, một số doanh nghiệp đã chọn con đường dễ dàng hơn là cùng nhau thỏa thuận, dàn xếp các yếu tố của thị trường nhằm hạn chế thậm chí triệt tiêu cạnh tranh. Một trong những yếu tố doanh nghiệp thường có xu hướng thỏa thuận là giá hoặc các vấn đề liên quan trực tiếp đến giá của sản phẩm hay dịch vụ. Các hành vi thỏa thuận này được gọi chung là thỏa thuận ấn định giá.
https://youtu.be/PJY6WXbHA48Thông qua thỏa thuận ấn định giá như thỏa thuận ấn định mức giá, tăng hay giảm giá, duy trì giá, cắt giảm chiết khấu, khuyến mại… các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận có thể tăng, duy trì thị phần hay lợi nhuận. Hậu quả tất yếu của thỏa thuận ấn định giá là sự độc quyền giá đối với hàng hóa hay dịch vụ và giá của hàng hóa, dịch vụ không còn tuân thủ theo quy luật thị trường, không còn do các yếu tố của thị trường quyết định mà bị khống chế bởi một nhóm các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận. Điều này sẽ làm gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận đồng thời xâm hại trực tiếp tới lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp đối thủ khác, của người tiêu dùng và của toàn xã hội.
Về bản chất, thỏa thuận ấn định giá là thỏa thuận nhằm loại bỏ, triệt tiêu hoặc hạn chế cạnh tranh về giá cả giữa các doanh nghiệp. Thỏa thuận ấn định giá có thể bao gồm các thỏa thuận (ngầm hoặc công khai) nhằm tăng, giảm, kìm giữ giá các sản phẩm trên thị trường.
Thỏa thuận ấn định giá là một trong những dạng thỏa thuận có tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh cũng như là nền kinh tế của các quốc gia. Tại phần nhận định trong bản án của Tòa án cấp quận khu vực đông Michigan tuyên đối với Công ty Nu-Phonics xác định không có một thỏa thuận nào thể hiện một cách rõ ràng là hạn chế thương mại hơn là thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh nhằm ấn định mức giá, và thỏa thuận này bị coi là vi phạm mặc nhiên Đạo luật chống độc quyền Sherman ngay từ lúc ban đầu khi luật này mới được ban hành. Hoặc như ông Graeme Samuel, cựu Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Úc có nói thỏa thuận ấn định giá, một trong số những hình thái biểu hiện của hành vi các-ten, bị coi là một khối u ác tính của nền kinh tế Úc. Nó là kẻ thù của định giá cạnh tranh, là nguyên nhân gây ra tình trạng giá cả cao hơn mức mà thị trường cho phép. Còn với thái độ chỉ trích tiêu cực hơn nữa, ông William E. Kovacic, cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại lành mạnh liên bang Mỹ cho rằng hành vi các-ten nói chung và hành vi thỏa thuận ấn định giá nói riêng có tác động rất xấu đến bất kỳ nền kinh tế nào, nó như là một cái ung nhọt của nền kinh tế thị trường và đặc biệt hành vi này có thể bị xem như là hành vi ăn cướp trắng trợn và còn có tính chất nghiêm trọng hơn cả hành vi ăn cướp vì nó có ảnh hưởng tới và xâm phạm lợi ích của nhiều người tiêu dùng và là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng bất ổn của nền kinh tế . Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan cạnh tranh trên thế giới hiện nay là phòng chống, đấu tranh và điều tra, xử lý đối với các hành vi thỏa thuận ấn định giá.