Hội thảo lấy ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ

Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ.

Sáng ngày 26 tháng 9 năm 2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng năm 2022 và lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ.

Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan chức năng, các hiệp hội ngành nghề và đại diện các doanh nghiệp bán lẻ tại Hà Nội.

Trong khuôn khổ đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng năm 2021- 2025 được Bộ Công Thương phê duyệt, mỗi năm Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ lựa chọn 1 ngành, lĩnh vực để xây dựng bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng. Theo đó, trong năm 2022 sẽ tập trung xây dựng bộ tiêu chí trong lĩnh vực bán lẻ - một trong những lĩnh vực rất năng động và số lượng người tiêu dùng tương tác rất lớn.


Nguồn ảnh: Cục CT&BVNTD

“Ngoài những yêu cầu tối thiểu doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, bộ tiêu chí đang được xây dựng đưa ra yêu cầu thậm chí cao hơn quy định về pháp luật mà doanh nghiệp có thể đảm bảo để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cao hơn nữa”, ông Phan Đức Quế - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chia sẻ.

Giới thiệu về Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025, bà Hoàng Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo cho biết Đề án được ban hành nhằm mục tiêu thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì người tiêu dùng của doanh nghiệp, góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng, kinh doanh lành mạnh, bền vững thông qua việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, từ đó, nâng cao sức cạnh tranh, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, giảm thiểu các khiếu nại, các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Cùng với đó, Đề án cũng tạo điều kiện, cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, tạo dựng niềm tin, sự hài lòng của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững hơn.

Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng giá trị thương hiệu; định hướng để người tiêu dùng có thể lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, mức độ tin cậy cao đối với người tiêu dùng, lựa chọn những hàng hóa, dịch vụ chất lượng, an toàn, tiết kiệm và giảm thiểu tác hại tới môi trường.

Cụ thể, bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ hướng đến hai nhóm doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng tổng hợp (siêu thị, đại siêu thị) và doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng điện máy, điện tử, đồ gia dụng điện tử... với 10 nhóm tiêu chí đánh giá.

Nhiều chuyên gia đầu ngành cùng đại diện các doanh nghiệp đã đánh giá bộ tiêu chí khách quan và có những góp ý quan trọng vào việc hoàn thiện dự thảo bộ tiêu chí trên./.

Các tin khác