Quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử

Trong các giao dịch kinh tế - thương mại truyền thống, trước khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá hay sử dụng dịch vụ, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu được thông tin về hàng hóa, dịch vụ đó. Thông thường, người tiêu dùng mong muốn nắm được thông tin về chủng loại, đặc tính, chất lượng, khuyết tật, giá, xuất xứ của hàng hóa, hoặc các tiêu chuẩn của dịch vụ. Họ cũng sẽ mong muốn được biết các thông tin về năng lực, uy tín của doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ. Trong thương mại điện tử, do yếu tố “trực tuyến”, người tiêu dùng hoàn toàn không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, dịch vụ cũng như doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hoá, dich vụ đó. Mọi quyết định của người tiêu dùng do vậy phần lớn dựa vào các thông tin do các doanh nghiệp (bao gồm cả bên trực tiếp sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ và bên cung cấp nền tảng thương mại điện tử) cung cấp. Nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng của doanh nghiệp do đó đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc gây dựng lòng tin của người tiêu dùng và khuyến khích họ tham gia tích cực hơn vào các giao dịch thương mại điện tử.  

Bên cạnh các điều khoản chung về nghĩa vụ cung cấp thông tin của thương nhân hay của bên bán trong Bộ luật Dân sự 2015 và Văn bản hợp nhất Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Khoản 2, Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định rõ người tiêu dùng có quyền “được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác” và các thông tin mà người tiêu dùng có quyền nhận được, bao gồm: “... thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.” Luật cũng quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của thương nhân trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng (Điều 12).Thương nhân bị cấm không được che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa/dịch vụ, về thương nhân và về giao dịch (Khoản 1, Điều 10) hoặc che dấu thông tin về an toàn sản phẩm hàng hóa (Khoản 10, Điều 8, Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hoá 2007).

Theo quy định tại Điều 12, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, thương nhân sẽ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin liên quan đến các nội dung sau: “(i) Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; (ii) Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; (iii) Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa; (iv) Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa; (v) Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành; (vi)Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.”

Trong thương mại điện tử, nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng của doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ hiện đang được quy đinh tại Điều 37, Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử:

Điều 37. Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử

1. Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định này cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

2. Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

3. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo đó, người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ (Điều 30), thông tin về giá cả (Điều 31), thông tin về điều kiện giao dịch chung (Điều 32), thông tin về vận chuyển và giao nhận (Điều 33), và thông tin về các phương thức thanh toán (Điều 34). Ngoài ra, theo Điều 36 của Nghị định này, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử có trách nhiệm yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định của Nghị định khi đăng ký sử dụng dịch vụ, và cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ. (Điều 36) Có thể thấy các quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (chủ yếu là mua bán hàng hoá) tại Việt Nam hiện đã khá đầy đủ. Điều vẫn còn thiếu là một số quy định về hình thức truyền đạt và phương thức cung cấp thông tin sao cho người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và nắm được các thông tin, dữ liệu cần thiết, từ đó đưa ra quyết định mua sắm, sử dụng hàng hoá, dịch vụ một cách mình bạch. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa đưa ra quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử khác hiện đang cung cấp các loại dịch vụ khác nhau cho người tiêu dùng như dịch vụ vận chuyển, du lịch, lưu trú, nhà hàng và thực phẩm, v.v./.

Các tin khác