Tọa đàm 'Tăng cường liên kết - Phát triển kinh tế hợp tác bền vững'Doanh nghiệp bán lẻ hiện đại tìm hướng đi mới để giành thị phần
TS Đinh Thị Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường bán lẻ đang phát triển tốt là nhờ vào GDP tăng trưởng ấn tượng qua các năm, hệ thống hạ tầng thương mại đang được cải thiện và sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.
Tuy nhiên, trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt, cùng với những thay đổi mạnh mẽ của phương thức phân phối hàng hóa dựa trên nên tảng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ từ cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN), các nhà bán lẻ nội địa đang đứng trước những thách thức lớn lao.
Dự báo, ở cách tiếp cận sát với thị trường bán lẻ, có thể thấy CMCN 4.0 với các bước tiến lớn về công nghệ sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tự động hóa, hình thành các mạng lưới chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trên diện rộng, kết nối cả về không gian (toàn cầu) và thời gian (từ quá khứ đến tương lai), và do từng bước làm nhòa ranh giới về vật lý. Cụ thể, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển theo 4 xu hướng chính.
Thứ nhất, về tổng thể, thị trường đang vận động theo hướng thuộc về người mua và người mua ngày càng có nhiều công cụ hiện đại để tùy chỉnh các lựa chọn của họ ở cả các kênh bán hàng hiện đại và truyền thống. Những thay đổi về nhân khẩu học và trong thói quen và hành vi của người tiêu dùng có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhà bán lẻ vào năm 2023 và những năm tiếp theo. Người tiêu dùng Việt Nam đang trở nên “trực tuyến hơn”, với tỷ lệ người sử dụng internet tăng lên đến mức 75% dân số và tỷ lệ người mua sắm trực tuyến lên tới 60%. Mua sắm trực tuyến giúp người mua hàng có thể chốt đơn hàng ở bất kỳ đâu vào bất kỳ khung giờ nào trong ngày, do đó tăng tỷ lệ tiếp cận của các nhà bán lẻ với người mua hàng so với việc chờ đợi họ dành thời gian để đến với các cửa hàng/sạp hàng truyền thống.
Thứ hai, khái niệm về thị trường bán lẻ không còn đơn thuần là mua và bán một mặt hàng mà đã mở rộng ra cả những dịch vụ hỗ trợ và trải nghiệm tiêu dùng. Để cạnh tranh, các nhà bán lẻ liên tục phải đổi mới các kênh bán hàng ngoại tuyến và trực tuyến, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhanh chóng ở chặng cuối như giao hàng tận nơi, giao hàng trong ngày, ứng dụng các công cụ trực tuyến để giúp khách hàng lựa chọn/thử hàng/chuyển đổi/trả hàng (ví dụ quần áo, giày, dép), cũng như thanh toán điện tử nhanh chóng, thuận tiện nhất có thể..
Thứ ba, trong khi cạnh tranh về công nghệ để cải thiện độ tiện ích là xu hướng chủ đạo thì trong bối cảnh khó khăn của năm 2023, cạnh tranh về chi phí cũng là vấn đề “đau đầu” của các nhà bán lẻ. Các nhà bán lẻ đang tiếp cận người tiêu dùng theo nhiều kênh khác nhau, từ các cửa hàng truyền thống đến các siêu thị. Do đó, chi phí thu hút và duy trì khách hàng đang tăng lên. Lợi nhuận biên có thể tiếp tục bị bào mòn và trong ngắn hạn, lợi thế cạnh tranh về quy mô sẽ thắng thế (các nhà bán lẻ quy mô lớn có thể tích tụ tổng lợi nhuận từ mỗi đơn vị lợi nhuận biên nhỏ, do đó giúp họ vượt qua khó khăn ngắn hạn so với các nhà bán lẻ có quy mô vốn nhỏ). Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 để cắt giảm các chi phí không cần thiết, giảm độ rủi ro trong quản lý/bán hàng, giao hàng…sẽ chi phối cạnh tranh về chi phí.
Thứ tư, hội nhập quốc tế về cả kinh tế, công nghệ và văn hóa được thúc đẩy bởi chính những xu hướng của CMCN 4.0, và do đó tác động nhanh, mạnh hơn đến thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong thập kỷ tới, những thay đổi về nhân khẩu học xã hội của người tiêu dùng dự kiến sẽ diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, tạo ra những nhu cầu và mong muốn ngày càng mở rộng và đa dạng. Những đặc điểm như độ tuổi trung bình cao hơn, các bệnh liên quan đến béo phì, huyết áp, tim mạch… cũng tác động đến cơ cấu hàng hóa tiêu dùng.
Cùng với hội nhập quốc tế, cộng đồng trở nên đa dạng hơn về sắc tộc, thay đổi về cơ cấu giới tính, xác thực về giới tính, xác thực bản dạng giới tính, di động, phụ thuộc vào kỹ thuật số nhiều hơn. Người tiêu dùng cũng có kỳ vọng cao hơn đối với các công ty trong việc duy trì các sáng kiến ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và DEI (đa dạng, công bằng và hòa nhập).
Trong một nghiên cứu về công ty Deloite, 3/4 số người tiêu dùng thuộc Gen Z cho biết tính bền vững quan trọng hơn thương hiệu khi đưa ra quyết định mua hàng. Khi tệp khách hàng ngày càng trở nên đa dạng về nhu cầu, điều kiện sống và sở thích riêng, các nhà bán lẻ buộc phải thích ứng với quy trình sản xuất, phân phối và tiếp thị mới.
Tựu chung, thị trường bán lẻ quốc tế và Việt Nam sẽ không ngừng vận động theo xu hướng CMCN 4.0, mang lại cả những cơ hội và thách thức mới. Tăng cường khả năng đón bắt xu hướng thị trường, thích ứng và phát triển bền vững là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ.