Trách nhiệm của cơ sở bán lẻ trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng

Trong quá trình xác lập giao dịch với người tiêu dùng, các siêu thị, cửa hàng tiện ích có thể thu thập thông tin của người tiêu dùng thông qua việc yêu cầu người tiêu dùng cung cấp số điện thoại, tên, địa chỉ. Hiện nay, rất nhiều các cơ sở bán lẻ phát hành thẻ tích điểm nhằm ưu đãi khách hàng truyền thống của mình, đồng thời có thể cập nhật nhanh chóng cơ sở dữ liệu khách hàng hiện có và thu hút thêm khách hàng mới. Ngoài ra, thông qua cơ sở dữ liệu của mình, cơ sở bán lẻ còn có thể xử lý các vấn đề vướng mắc của khách hàng nhanh chóng và hiệu quả. Những thông tin khách hàng đã thu thập được lưu trữ, quản lý có thể cho phép cơ sở bán lẻ một mặt đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong một giao dịch trước mắt, nhưng mặt khác nó cũng tạo điều kiện để cơ sở bán lẻ có thể dễ dàng tiếp cận với khách hàng cũ của mình thông qua việc khai thác cơ sở dữ liệu khách hàng sẵn có. Lưu trữ thông tin khách hàng chính là một phương thức để duy trì mối quan hệ bạn hàng ổn định cho nhà cung cấp đối với khách hàng truyền thống, bảo đảm giữ vững thị phần của họ một cách tiết kiệm. Thay vì phải mở rộng quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm, cơ sở bán lẻ chỉ cần dò tìm trong cơ sở dữ liệu sẵn có và liên lạc với khách hàng cũ. Đồng thời, để mở rộng thị phần, cơ sở bán lẻ cũng cần điều tra, thu thập thông tin để đánh giá được thị hiếu, khuynh hướng mua sắm của khách hàng để từ đó có những điều chỉnh thích hợp hoạt động kinh doanh của mình hướng tới những khách hàng tiềm năng (Bảo vệ thông tin người tiêu dùng, 2019)[1]. Với mục tiêu giành lợi thế cạnh tranh, nhìn chung cơ sở dữ liệu khách hàng thường được các cơ sở bán lẻ bảo mật chặt chẽ. Tuy vậy, vấn đề trọng tâm của tất cả các doanh nghiệp chính là lợi nhuận nên họ thường không quan tâm tới công tác bảo mật thông tin khách hàng, ngoài ra, cạnh tranh không phải lúc nào cũng được duy trì một cách tuyệt đối, các cơ sở bán lẻ vẫn thường có xu hướng liên kết, hợp tác hoặc thỏa hiệp, chia sẻ tài nguyên thông tin để cùng thu được lợi nhuận cao hơn. Trong khi đó, người tiêu dùng thường mong muốn thông tin của mình được bảo mật tuyệt đối. Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng là một phần của bảo vệ quyền riêng tư của con người. Do đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng (Nghiên cứu lập pháp, 2019)[2].

Việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 như sau:

- Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

- Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm:

+ Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng;

+ Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý;

+ Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng;

+ Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác;

+ Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.


[1] Theo Bảo vệ thông tin người tiêu dùng, 2019, http://lapphap.vn/pages/tintuc/printpage.aspx?tintucID=210358

[2] Theo Bảo vệ thông tin người tiêu dùng, 2019, http://lapphap.vn/pages/tintuc/printpage.aspx?tintucID=210358

Các tin khác