Thẻ nhân viên là một vật dụng quan trọng và thiết yếu mà hầu hết các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đều sử dụng để cấp phát cho các nhân viên của mình. Ngoài chức năng giới thiệu thông tin về nhân viên, về doanh nghiệp, tấm thẻ này còn giúp nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng và ấn tượng về tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, người bán hàng đối với khách hàng, người tiêu dùng.
Đặc thù của hoạt động bán hàng trực tiếp là hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, giao dịch mua, bán được nhân viên hoặc thành viên của doanh nghiệp thực hiện trực tiếp với người tiêu dùng. Do vậy, việc xuất trình thẻ nhân viên hoặc thẻ thành viên đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là với các hình thức bán hàng tận cửa và bán hàng đa cấp.
Xuất trình thẻ nhân viên trong hoạt động bán hàng tận cửa
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi thực hiện việc bán hàng tận cửa, người bán hàng tận cửa có nghĩa vụ “Giới thiệu tên, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở của tổ chức, cá nhân kinh doanh…”.
Các thông tin này đều là các thông tin cơ bản trên thẻ nhân viên. Việc xuất trình thẻ nhân viên với đầy đủ các thông tin tên, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở của doanh nghiệp; họ, tên, địa chỉ hoặc số điện thoại liên lạc của người bán hàng tận cửa sẽ giúp họ tuân thủ được nghĩa vụ nêu trên khi thực hiện bán hàng tận cửa cho người tiêu dùng.
Xuất trình thẻ thành viên trong hoạt động bán hàng đa cấp
Khoản 1 và 2 Điều 41 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đã quy định “người tham gia bán hàng đa cấp chỉ thực hiện các hoạt động tiếp thị, bán hàng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp sau khi được cấp Thẻ thành viên” và có trách nhiệm “xuất trình Thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng”.
Do đó, việc xuất trình thẻ thành viên là một trong các nghĩa vụ bắt buộc theo luật định mà người tham gia bán hàng đa cấp phải thực hiện trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng cho người tiêu dùng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, Thẻ thành viên của người tham gia bán hàng đa cấp bao gồm các nội dung sau đây:
Với các thông tin nêu trên được in trên thẻ thành viên, thì rõ ràng tấm thẻ này có tác dụng cung cấp cho người tiêu dùng thông tin tên doanh nghiệp; thông tin liên hệ của doanh nghiệp; thông tin cơ bản về người tham gia bán hàng đa cấp đang tiếp thị, giới thiệu sản phẩm và bán hàng cho mình.
Bên cạnh đó, Khoản 1 và 4 Điều 33 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP còn quy định “Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được cấp Thẻ thành viên cho những người đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản…” và “Thẻ thành viên hết hiệu lực khi hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp chấm dứt”.
Như vậy, ngoài việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, thẻ thành viên còn như một bằng chứng về việc người tham gia bán hàng đa cấp vẫn đang là thành viên của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp giữa người này với doanh nghiệp bán hàng đa cấp vẫn còn hiệu lực, người tham gia bán hàng đa cấp này đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản, có đủ kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp…
Việc xuất trình thẻ nhân viên hoặc thẻ thành viên sẽ giúp người bán hàng tận cửa hoặc người tham gia bán hàng đa cấp có được sự tin cậy, ấn tượng về tác phong chuẩn chỉnh, phong cách làm việc chuyên nghiệp trong nhìn nhận, đánh giá của người tiêu dùng. Đồng thời, thẻ nhân viên, thẻ thành viên là một phần quan trọng, không thể thiếu giúp doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp khẳng định tên tuổi, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp, định vị được hình ảnh trong mắt của khách hàng và người tiêu dùng./.