Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của người tiêu dùng đối với sự sinh tồn và phát triển của doanh nghiệp đã là điều đáng quý. Tuy nhiên, làm thế nào để biến “nhận thức” thành “hành động” lại là một thách thức khác mà doanh nghiệp làm ăn chân chính và vươn tới sự phát triển bền vững cần phải tìm tòi, đúc kết để tìm ra giải pháp.
Bán hàng đa cấp là một trong những loại hình bán hàng trực tiếp – một lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ mà Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 của Bộ Công Thương hướng đến trong năm nay. Theo quy định của pháp luật về đầu tư, bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để được công nhận và cho phép hoạt động tại Việt Nam, bản thân doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó có những điều kiện nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, chẳng hạn như có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; có vốn điều lệ và khoản tiền ký quỹ đủ lớn để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong các trường hợp luật định…
Tại Việt Nam, lĩnh vực bán hàng đa cấp có đặc thù là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chiếm tới trên 95% tổng doanh thu bán hàng đa cấp. Do vậy, trong số 08 quyền cơ bản của người tiêu dùng, có 02 quyền mà người tiêu dùng thường lưu ý, chú trọng hơn khi mua các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực bán hàng đa cấp tại Việt Nam, đó là: (1) quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp và (2) quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Để đảm bảo các quyền lợi chính đáng nêu trên của người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính tại Việt Nam thường xuyên thực hiện các trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, trong đó chú trọng đến:
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm, chú trọng nhiều hơn đến vấn đề chăm sóc sức khỏe, bởi vậy, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe cũng đang có xu hướng gia tăng. Theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong năm 2020, thực phẩm chức năng là mặt hàng ưu thế, chiếm tới trên 85% tổng doanh thu bán hàng đa cấp tại Việt Nam.
Để cung cấp tới tay người tiêu dùng các sản phẩm nói chung và thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe nói riêng đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp thường áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao và quy trình chặt chẽ trong sản xuất, nhập khẩu, kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Nguồn ảnh: Cục CT&BVNTD
Đại diện cho một doanh nghiệp bán hàng đa cấp lớn tại Việt Nam, trong buổi Tọa đàm trực tuyến “Các giải pháp nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp vì lợi ích của người tiêu dùng” do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức ngày 19 tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Phương Sơn – Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Amway Việt Nam cho biết trong nhiều năm qua, nhờ sự phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam và thu nhập của người dân ngày một nâng cao, người dân Việt Nam đang có xu hướng chăm sóc sức khỏe chủ động, nghĩa là uống, sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhằm nâng cao sức khỏe, phòng ngừa, tránh nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch Covid, nhu cầu tăng cường sức khỏe và nâng cao sức đề kháng lại càng trở nên cấp thiết. Do đó, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đã được người dân tin dùng khiến cho ngành hàng này liên tục phát triển trong những năm vừa qua.
Người tiêu dùng ngày càng “thông thái” trong chọn lựa các sản phẩm để bảo vệ sức khỏe của họ. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng, Tập đoàn Amway toàn cầu nói chung và Amway Việt Nam nói riêng luôn đề cao vấn đề chất lượng của các sản phẩm lên hàng đầu. Cụ thể, Amway Việt Nam luôn duy trì và áp dụng các bộ tiêu chuẩn mang tính toàn cầu trong sản xuất như HS-GMP (thực hành sản xuất tốt), hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2005 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2004. Bên cạnh đó, tất cả các sản phẩm của Amway Việt Nam đều thực hiện đăng ký, công bố chất lượng và được Bộ Y tế cấp phép trước khi lưu hành sản phẩm.
Các sản phẩm lưu thông cũng được kiểm tra định kỳ thường xuyên tại Phòng kiểm nghiệm nội bộ đạt chứng nhận ISO 17025 tại nhà máy của Amway Việt Nam, cũng như tại các đơn vị kiểm nghiệm đạt chứng nhận của Việt Nam.
Là một trong những loại hình bán hàng trực tiếp, việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng đa cấp cũng có những đặc thù riêng, theo đó, việc tương tác, giới thiệu, quảng cáo về doanh nghiệp và sản phẩm cho người tiêu dùng chủ yếu do người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện. Tuy nhiên, làm thế nào để người tham gia bán hàng đa cấp truyền tải những thông điệp chính xác, đầy đủ tới người tiêu dùng, thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp đóng vai trò rất quan trọng.
Ông Nguyễn Phương Sơn – Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Amway Việt Nam
Ông Nguyễn Phương Sơn chia sẻ, với Amway Việt Nam, để đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho người tiêu dùng, các đối tác kinh doanh, nhà phân phối (người tham gia bán hàng đa cấp) của doanh nghiệp được đào tạo thường xuyên và được cung cấp thông tin liên tục qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Viber… Bên cạnh đó, Amway Việt Nam cũng triển khai nhiều kênh cung cấp thông tin khác nhau trên tất cả các nền tảng trực tuyến cũng như trực tiếp, bao gồm trang thông tin điện tử chính thống của doanh nghiệp đã thông báo với Bộ Công Thương; trang Fanpage chính chủ trên mạng xã hội Facebook của Amway Việt Nam; niêm yết công khai thông tin tại các cơ sở kinh doanh của Amway Việt Nam theo quy định của pháp luật…
Đây chỉ là hai nhóm cơ bản trong số các nhóm trách nhiệm mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần đảm bảo đối với người tiêu dùng. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp cần không ngừng nỗ lực và nâng cao trách nhiệm của mình trong sản xuất, kinh doanh để chiếm được niềm tin và sự ủng hộ của người tiêu dùng./.