Trong thời đại công nghiệp 4.0, người tiêu dùng đã khá quen thuộc với việc mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, ứng dụng trực tuyến hoặc các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, lợi dụng công nghệ và mô hình kinh doanh đa cấp, thời gian gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi kinh doanh đa cấp trái phép trên mạng internet mà thực chất là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho nhiều người dân, đồng thời, làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính.
Thường xuất hiện dưới mác “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “sàn thương mại điện tử tràn tầng” hay “đa cấp thời đại 4.0”, nhiều mô hình, dự án kinh doanh đa cấp trái phép được lan truyền nhanh chóng trên các trang tin điện tử, các trang mạng xã hội (Youtube, Facebook, Zalo, Viber, TelegramX…).
Điển hình, có thể kể đến những cái tên như Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Tcapital.org; Winvest.io … Các mô hình, dự án này ra sức mời gọi người tham gia kinh doanh, giao dịch tiền điện tử, đầu tư mua cổ phiếu nội bộ với những nguồn thu nhập cực kỳ hấp dẫn.
Điểm chung của những mô hình, dự án “ảo” này đó là:
- Hướng đến các đối tượng trẻ như sinh viên tìm việc làm thêm và mong muốn khởi nghiệp, các dự án, mô hình hoạt động này thường được giới thiệu có quy mô mang tầm quốc tế, mang sứ mệnh Thời đại 4.0, lấy lợi ích cộng đồng làm động lực phát triển. Các dự án này sẽ được ca ngợi như là có giải pháp giải quyết được nhiều vấn đề, là dự án “đi tắt đón đầu” và thường được gắn với nhiều giấy chứng nhận mang tầm quốc tế.
- Dự án sẽ quảng cáo và đưa ra rất nhiều lợi ích khi hợp tác đầu tư với hoa hồng, thu nhập cao ngất ngưởng, người tham gia không cần tính toán nhiều cũng có thể thấy là lợi ích đủ đường và có thể đổi đời nhanh chóng. Những lời lẽ quảng cáo cho các dự án, mô hình này đều hướng về việc những nhà đầu tư dự án hiện nay là những người đi tiên phong, những người làm cách mạng trong thời đại mới và như thúc giục cần nhanh chóng bỏ tiền tham gia đầu tư phát triển dự án;
- Thành quả kinh doanh hay kết quả đầu tư của người tham gia lại không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiện thị trên giao diện website. Người tham gia, người đầu tư không được cấp giấy chứng nhận hay xác nhận chính thức nào từ một pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam. Do đó, người tham gia đầu tư sẽ không có căn cứ để yêu cầu đòi quyền lợi khi có vấn đề trục trặc kỹ thuật trên hệ thống hoặc những chủ dự án/hoặc người giới thiệu/tuyến trên cố ý thoái thác trách nhiệm.
Trước những hình thức kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, lạm dụng thương mại điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng, người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo nhằm nhận biết các giao dịch trực tuyến bất hợp pháp trên cơ sở những khuyến cáo sau đây:
- KHÔNG giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến với những đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp (hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới) nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;
- KHÔNG thực hiện giao dịch trực tuyến đối với các dịch vụ, sản phẩm nội dung thông tin số được kinh doanh theo mô hình đa cấp, bởi vì theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (bảo hiểm nhân thọ). Đồng thời, sản phẩm nội dung thông tin số là một trong những hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp.
- KHÔNG giao dịch trực tuyến để mua sắm những hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc ít có giá trị sử dụng chỉ để đầu từ hoặc nộp tiền tham gia vào mạng lưới phân phối nhằm hưởng hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác./.