Ngành bán lẻ hồi phục sau đại dịch

Trái ngược với tình trạng ảm đạm khi hàng loạt các cửa hàng phải đóng cửa nhằm thực hiện giãn cách xã hội cách đây một năm, thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại trong nhịp sống của bình thường tiếp theo. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh, trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt mức tăng trưởng khá tốt. Khảo sát doanh nghiệp Bán lẻ của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2022 cho thấy 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Khảo sát cũng chỉ ra rằng có sự phân hóa nhất định giữa các nhóm hàng hóa khác nhau. Tỷ lệ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh vận hành các chuỗi bán lẻ hàng lâu bền cao hơn hẳn so với chuỗi hàng tiêu dùng nhanh.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ thời điểm hiện tại

so với trước đại dịch[1]

Trong từng ngành hàng cũng chứng kiến sự chênh lệch khoảng cách: những doanh nghiệp bán lẻ có quy mô lớn, chiến lược kinh doanh bài bản ghi nhận tốc độ phục hồi và tăng trưởng ấn tượng hơn so với nhóm doanh nghiệp còn lại. Dưới áp lực tăng giá chi phí nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới, các doanh nghiệp không tự chủ được nguồn nguyên liệu sẽ chịu áp lực điều chỉnh lớn lên biên lợi nhuận. Một số doanh nghiệp có thể chủ động tăng giá bán để chuyển một phần áp lực chi phí sang phía khách hàng, giúp doanh thu tăng lên nhưng sẽ khiến biên lợi nhuận phần nào giảm thấp.

Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.

Triển vọng toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm so với cùng kỳ năm trước[2]

Tỷ lệ doanh nghiệp tỏ ra thận trọng với triển vọng kinh doanh của chính mình chiếm 15,8%.  Doanh nghiệp tỏ ra thận trọng cũng có cơ sở khi lạm phát và suy thoái kinh tế đang trở thành rủi ro lớn nhất hiện nay đối với tăng trưởng ngành bán lẻ. Lạm phát tăng và duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2022 gây sức ép lên sức mua của người tiêu dùng. Trong bối cảnh thu nhập trung bình chưa tăng kịp so với lạm phát như hiện nay, khảo sát của Vietnam Report cho thấy người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu đối với hầu hết mặt hàng không thiết yếu. Nếu tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng, họ cũng sẽ cắt giảm chi tiêu đối với nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh… Một yếu tố khác là giai đoạn 2020-2021, thu nhập bất thường của dân cư tăng lên (nhờ vào sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán, bất động sản) nên nhu cầu đột biến với các hàng hóa xa xỉ, không thiết yếu cũng tăng mạnh, giai đoạn 2022-2023 những nhu cầu này có thể trở về trạng thái bình thường và tăng trưởng ổn định hơn./.


[1] Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8 năm 2022.

[2] Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8 năm 2020, tháng 8 năm 2021 và tháng 8 năm 2022.

Các tin khác