Quy định về đảm bảo thanh toán điện tử an toàn

Thanh toán điện tử, hay thanh toán trực tuyến, là hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt, đã phổ biến trên thế giới trong những năm gần đây, song song với sự phát triển của thương mại điện tử. Có thể hiểu, thanh toán điện tử là việc giao dịch qua mạng internet, trong đó người sử dụng thực hiện các hoạt động thanh toán; chuyển, nạp hay rút tiền, v.v.

Hiện nay, ở Việt Nam, các hình thức thanh toán điện tử được sử dụng phổ biến nhất bao gồm: Thanh toán bằng thẻ, thanh toán qua cổng thanh toán, thanh toán bằng ví điện tử (E-Money) và thanh toán bằng thiết bị điện thoại thông minh (Mobile Money). Thực tế, mỗi hình thức đều có những ưu điểm vượt trội riêng và tùy vào nhu cầu, người dùng có thể lựa chọn cho mình một hay nhiều hình thức thanh toán phù hợp để sử dụng. Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng thương mại điện tử, bao gồm cả các website bán hàng trực tuyến, cũng đang “bắt tay” ngày càng nhiều với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến/trung gian thanh toán để “số hoá” toàn bộ những trải nghiệm của người tiêu dùng trên các nền tảng mà họ cung cấp, từ bước tìm kiếm thông tin về hàng hoá, dịch vụ tới bước thanh toán.  

Căn cứ vào Luật các Tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về Thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 101) đã được Chính phủ ban hành, nhằm đưa ra một số quy định mang tính khuôn khổ về các dịch vụ trung gian thanh toán và điều kiện cung ứng dịch vụ cũng như quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Điều 5(3); Điều 15 và Điều 16. Để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101, các Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 về Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 23), Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (Thông tư 39) và Thông tư số 46/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (Thông tư 46) đưa ra quy định về những điều kiện khuôn khổ mang tính nguyên tắc chung, tạo ra hành lang pháp lý cơ bản, quan trọng cho các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khi cung ứng dịch vụ thanh toán giao dịch bằng phương tiện điện tử ở Việt Nam. Thông tư 39 hướng dẫn chung về dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử (chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán điện tử) và dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán (hỗ trợ thu hộ, chi hộ; hỗ trợ chuyển tiền điện tử và ví điện tử); đồng thời, cũng đưa ra các quy định về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan.

Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng có đề cập tới vấn đề đảm bảo an toàn thanh toán trong thương mại điện tử tại điều 74-75. Cụ thể, thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử có chức năng thanh toán trực tuyến phải đảm bảo an toàn, bảo mật giao dịch thanh toán của khách hàng, xử lý khiếu nại và đền bù thiệt hại trong trường hợp thông tin thanh toán của khách hàng qua website thương mại điện tử bị thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ, di chuyển trái phép hoặc bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng (Điều 74). Và trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho website thương mại điện tử sẽ bao gồm việc lưu trữ dữ liệu về từng giao dịch thanh toán thực hiện qua hệ thống của mình theo thời hạn quy định tại Luật kế toán; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm với thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán của mình trong trường hợp thông tin thanh toán của khách hàng qua website đó bị thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ, di chuyển trái phép hoặc bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng (Điều 75). Tuy nhiên, có thể thấy là cho đến nay, Việt Nam chưa có một văn bản pháp lý riêng quy định đầy đủ về quy trình cung ứng các dịch vụ ngân hàng điện tử, tiền điện tử để tạo dựng một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, thống nhất cho việc ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử. Cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên, có thể được áp dụng khi tranh chấp phát sinh để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ví dụ, một câu hỏi đặt ra là khi các phần mềm thanh toán bị lỗi hay bị tin tặc tấn công mà người sử dụng, người tiêu dùng bị mất tiền, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Đây có lẽ là một trong số những lý do tại sao nhiều người tiêu dùng còn e ngại chưa muốn sử dụng các kênh thanh toán trực tuyến khi tham gia vào thương mại điện tử./.

Các tin khác