Những năm gần đây, thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thương mại điện tử vẫn tăng trưởng ấn tượng, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì thương mại điện tử ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức, cần có giải pháp để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2018 - 2023. Trong năm 2018, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ ở Việt Nam chỉ đạt 8,06 tỷ Đô la Mỹ, nhưng năm 2022, doanh thu này đã tăng gấp 2 lần, đạt trên 16,4 tỷ đô la Mỹ. Đà tăng trưởng này vẫn được duy trì với tốc độ tăng trưởng 25%, dự kiến ước đạt 20,5 tỷ đô la Mỹ trong năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại do đại dịch Covid-19 đã thắt chặt thị trường lao động, giảm sản lượng công nghiệp và làm gián đoạn chuỗi giá trị nông nghiệp. Tuy nhiên, trong năm qua, nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng lại là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Báo cáo Thương mại điện tử năm 2023 của Lazada, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng vượt bậc từ 8 tỷ đô la Mỹ năm 2020 lên 14 tỷ đô la Mỹ năm 2022. Điều này góp phần quan trọng trong việc đưa nền kinh tế số Việt Nam cán mốc 32 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy ngành thương mại điện tử Việt Nam đã thành công trong việc vượt qua những khó khăn do Covid-19 gây ra và đang phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh “bình thường mới”. Sự phát triển này thậm chí còn ấn tượng hơn so với thời kỳ trước đại dịch[1] và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ do việc duy trì thói quen mua sắm trực tuyến của người dân kể từ khi đại dịch bùng nổ./.
[1] Lazada, Báo cáo toàn cảnh ngành thương mại điện tử Việt Nam, chủ đề “thương mại điện tử năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ covid-19”, trang 12.