Thực hiện đúng nghĩa vụ, người tiêu dùng đã tự bảo vệ mình

“Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội” đã được khẳng định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Như vậy, không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà ngay bản thân người tiêu dùng cũng cần có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chính mình.

Trong thời gian qua, các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng xảy ra ở nhiều nơi, trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp như: thị trường nông sản tồn tại tình trạng rau bẩn, thịt bẩn, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng chất cấm; tràn lan hàng lậu, hàng kém chất lượng mà người sản xuất, kinh doanh nhiều khi cố tình gian lận, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Song song đó, phần lớn người tiêu dùng chưa quan tâm đến những điều tối thiểu khi mua hàng như: không tìm hiểu trước khi lựa chọn hàng hóa, dịch vụ hoặc đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ; không lấy hoá đơn, chứng từ, không kiểm tra, xem xét hàng hoá trước khi nhận hàng nên khi sự cố xảy ra không có cơ sở để giải quyết. Thiếu hiểu biết về luật, nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phải làm gì nên chỉ im lặng chấp nhận.

Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng bao gồm:

  • Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận;
  • Lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác;
  • Thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ;
  • Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng;
  • Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ngoài việc các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý và ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì bản thân người tiêu dùng cũng cần phải tự nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình, nắm rõ các nghĩa vụ trước, trong và sau khi giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ như lựa chọn tiêu dùng sản phẩm có chất lượng, lựa chọn nhà cung cấp có uy tín; kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; thực hiện đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh xảy ra các tranh chấp, thiệt hại.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần duy trì thói quen lưu lại chứng từ, hoá đơn, bằng chứng giao dịch để làm căn cứ yêu cầu xử lý trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, cần tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định về yêu cầu, khiếu nại, khiếu kiện đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để được bảo vệ./.

Các tin khác