Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trong thời đại công nghiệp 4.0

    Cung cấp và tiếp nhận thông tin vừa là quyền của người tiêu dùng, đồng thời, là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

    Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có quyền “được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa…”.

    Điều 12 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bao gồm:

  • Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật;
  • Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ;
  • Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa;
  • Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa;
  • Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành;
  • Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.

    Ngoài việc cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; thành phần, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; giá cả của hàng hóa, dịch vụ… trên nhãn hàng hóa hay niêm yết công khai tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; quảng cáo trên báo, đài… theo cách truyền thống, thì trong thời đại công nghiệp 4.0, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp sử dụng nhiều kênh truyền thông đa dạng trên nền tảng trực tuyến để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.

    Tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng năm 2021 trong khuôn khổ Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp, đặc biệt là doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã cho thấy một bức tranh đa màu sắc về các kênh thông tin mà họ đang ứng dụng nhằm truyền tải nhanh chóng và đầy đủ những thông điệp quan trọng tới người tiêu dùng.

Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp

    Tất cả các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam (doanh nghiệp bán hàng đa cấp) đều phải có trang thông tin điện tử như một trong các điều kiện bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

    Trên thực tế, trang thông tin điện tử của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp không chỉ cung cấp thông tin cho người tham gia bán hàng đa cấp, mà đồng thời còn giới thiệu về doanh nghiệp, các nhãn hàng, sản phẩm mà doanh nghiệp đang kinh doanh và truyền tải thông điệp cần thiết tới người tiêu dùng.

    Điển hình, trên trang thông tin điện tử chính thức https://www.herbalife-vietnam.com/, Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam (Herbalife Việt Nam) giới thiệu cho người tiêu dùng các thông tin về doanh nghiệp; danh mục sản phẩm; các nhóm sản phẩm chủ đạo; cơ hội kinh doanh; kênh đăng ký mua sản phẩm; các bài viết cung cấp thông tin về dinh dưỡng và sức khỏe, hướng dẫn sử dụng sản phẩm đúng cách và hiệu quả…

Nguồn ảnh: Website của Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam

    Tương tự, trên trang thông tin điện tử chính thức (https://www.amway.com.vn/vn/) đã thông báo với Bộ Công Thương, Công ty TNHH Amway Việt Nam (Amway Việt Nam) cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về sản phẩm, bao gồm đăng ký chất lượng với các cơ quan của Bộ Y tế; công dụng, hướng dẫn sử dụng, hình ảnh thực tế của sản phẩm, giá bán đã đăng ký với Bộ Công Thương, các chương trình khuyến mại tri ân khách hàng, các chương trình và chính sách sau bán hàng… cũng như các tài liệu kinh doanh, quy tắc ứng xử trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn ảnh: Website của Công ty TNHH Amway Việt Nam

Mạng xã hội

Nguồn ảnh: Sưu tầm trên Internet

    Linh hoạt hơn so với trang thông tin điện tử ở chỗ có thêm các tính năng tương tác đa chiều trên nền tảng, mạng xã hội hiện là phương tiện được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng sử dụng nhằm cung cấp thông tin và tương tác với khách hàng, người tiêu dùng, kết nối và chia sẻ giữa những người có cùng sở thích, thị hiếu, thu thập thông tin, ý kiến của người tiêu dùng để có thể cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Nguồn ảnh: Trang HerbalifeVietnam trên mạng xã hội Facebook

    Tiêu biểu, Fanpage chính thức có dấu tích xanh với hơn 6,6 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Facebook (tại địa chỉ www.facebook.com/HerbalifeVietnam), Herbalife Việt Nam cập nhật thường xuyên và liên tục các tin tức mới với chủ đề về dinh dưỡng và sức khỏe; các chương trình thể thao (ví dụ, Giải bóng đá AFF Suzuki Cup), sức khỏe (ví dụ, chương trình Dinh dưỡng khoa học vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn), chương trình từ thiện, hoạt động xã hội vì cộng đồng do Herbalife Việt Nam đồng hành, tài trợ; giới thiệu các nhãn hàng, sản phẩm mới, sắp ra mắt; chương trình trò chơi (mini games); các video clips, ảnh chụp, ấn phẩm quảng cáo của Herbalife Việt Nam…

Ngoài mạng xã hội Facebook, Herbalife Việt Nam còn cung cấp và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội Instagram tại tài khoản: www.instagram.com/herbalifevietnam.

Nguồn ảnh: Trang Amway Việt Nam trên mạng xã hội Facebook

    Tương tự, trang Fanpage chính thức có dấu tích xanh của Amway Việt Nam trên mạng xã hội Facebook (tài khoản: https://www.facebook.com/OfficialAmwayVietnam) thu hút hơn 214 nghìn người thích và hơn 227 nghìn người theo dõi cũng thường xuyên cập nhật đến người tiêu dùng thông tin về các nhãn hàng, sản phẩm nổi tiếng của công ty, các giải thưởng mà Amway Việt Nam đã đạt được (chẳng hạn, Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam; Giải thưởng vàng vì sức khỏe cộng đồng; Nơi làm việc tốt nhất châu Á – HR Asia Awards, Giải thưởng Môi trường); các chương trình thể thao, nghệ thuật do Amway Việt Nam đồng hành, tài trợ (chẳng hạn, Cùng Nutrilite tiếp sức Quốc Cơ – Quốc Nghiệp tự tin chinh phục kỷ lục Guinness 2021); các chương trình hội thảo, đào tạo, tập huấn do Amway Việt Nam tổ chức; các gương mặt nhà phân phối điển hình, đạt kết quả hoạt động kinh doanh tốt trong năm…

    Bên cạnh đó, Amway Việt Nam cũng sử dụng các nền tảng mạng xã hội khác như Zalo, Viber để tương tác, cung cấp thông tin cho nhà phân phối và người tiêu dùng.

Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có liên quan

    Ngoài trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội do doanh nghiệp chủ động xây dựng và quản lý, người tiêu dùng muốn tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký, danh mục sản phẩm của doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận và truy cập trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước hay các tổ chức xã hội – nghề nghiệp có liên quan.

Nguồn ảnh: Trang thông tin điện tử của Cục CT&BVNTD

    Trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, khi truy cập vào trang thông tin điện tử của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), người tiêu dùng có thể tìm hiểu hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp được cập nhật thường xuyên; tra cứu danh sách các doanh nghiệp bán hàng đa cấp và tình trạng hoạt động (đang hoạt động; ngừng hoạt động; tạm ngừng hoạt động; chấm dứt hoạt động); thông tin về trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, người đại diện tại các địa phương, chủ sở hữu…

          Ấn phẩm quảng cáo điện tử, chatbot tự động

    Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc tương tác trực tiếp ngoài đời thực (offline) giữa người tham gia bán hàng đa cấp và khách hàng tiềm năng, người tiêu dùng để tiếp thị, giới thiệu về sản phẩm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị hạn chế nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Nhanh chóng ứng phó với điều kiện thực tiễn, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã tăng cường đa dạng hóa hình thức cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Thay vì sử dụng các ấn phẩm, brochure, tờ rơi bản giấy, họ đã truyền tải thông tin đến người tiêu dùng qua các ấn phẩm điện tử, vừa thuận tiện để truy cập, tìm hiểu thông tin, vừa dễ dàng để lưu trữ.

Nguồn ảnh: Trích từ ấn phẩm điện tử “Lựa chọn dinh dưỡng lành mạnh” của Herbalife Việt Nam

    Không dừng lại ở đó, nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng đã hướng đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng thông qua các chatbot tự động – một dạng trợ lý ảo, được sử dụng kết hợp trí tuệ nhân tạo và kịch bản trả lời có sẵn như một công cụ thông minh, có vai trò thay thế cho con người trong việc trả lời khách hàng, giúp việc bán hàng, tiếp thị sản phẩm, chăm sóc khách hàng được tự động hóa và gia tăng hiệu quả. 

    Khác với con người, chatbot có thể làm việc liên tục 24/7, có tốc độ phản hồi tin nhắn nhanh hơn nhiều lần so với thao tác trả lời của nhân viên. Nếu như một nhân viên chỉ có thể lần lượt trả lời tin của từng khách hàng thì chatbot lại có khả năng trả lời nhiều khách hàng trong cùng một khoảng thời gian do đã được thiết lập tự động. Cũng bởi vậy, chatbot sẽ trở thành xu hướng, ngày càng được doanh nghiệp sử dụng phổ biến hơn để cung cấp và phản hồi thông tin cho khách hàng, người tiêu dùng.

Các tin khác