Hưởng ứng Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng: Những hành động thiết thực doanh nghiệp nên thực hiện

    Năm 2021 là năm đầu tiên Bộ Công Thương thực hiện các hoạt động của Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong năm 2021 Bộ Công Thương xây dựng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp và phát động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng.

    Ở góc độ doanh nghiệp, Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng sẽ mang lại lợi ích lâu dài khi giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh, uy tín của mình với triết lý kinh doanh “vì người tiêu dùng”, từ đó, chiếm được niềm tin và sự trung thành của người tiêu dùng.

    Với ý nghĩa đó, một doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững nên hưởng ứng Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng bằng những hành động thiết thực như sau:

  • Nộp hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng của Bộ Công Thương[1];
  • Tìm hiểu thông tin, tự đánh giá theo Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng (sau đây gọi là Bộ tiêu chí) thông qua các phương tiện được thiết kế dành riêng cho Chương trình (trang tin điện tử; ứng dụng);
  • Tạo điều kiện để Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng đáp ứng Bộ tiêu chí tại doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp được lựa chọn để hỗ trợ thực hiện khảo sát;
  • Tự xác định mức độ đáp ứng Bộ tiêu chí và nhận kết quả đánh giá, khảo sát hiện trạng, mức độ đáp ứng Bộ tiêu chí từ Ban tổ chức Chương trình;
  • Tham vấn, điều chỉnh và hoàn thiện các quy trình nội bộ (chẳng hạn, quy trình cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; quy trình bảo hành hàng hóa; quy trình tiếp nhận và giải đáp thắc mắc của người tiêu dùng; quy trình giao nhận, đổi trả hàng hóa…); chính sách, chiến lược kinh doanh (chẳng hạn, đảm bảo hoặc nâng cao chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn cao hơn; cải thiện chính sách chăm sóc khách hàng sau bán; đào tạo nhân viên, người tham gia bán hàng đa cấp để tuân thủ quy định của pháp luật và quy trình của doanh nghiệp khi giới thiệu, tiếp thị sản phẩm cho người tiêu dùng…) nhằm đáp ứng Bộ tiêu chí ở mức cao hơn, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.

 

    Ngay cả khi không trực tiếp đăng ký tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, doanh nghiệp vẫn có thể hướng ứng Chương trình bằng cách tìm hiểu thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng (Chuyên mục Doanh nghiệp vì người tiêu dùng của Báo điện tử VTC News; Trang thông tin điện tử của Chương trình tại địa chỉ https://dnvntd.bvntd.gov.vn; Kênh Youtube “Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam”; Fanpage “Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam” của Cục CT&BVNTD tại địa chỉ: https://www.facebook.com/bvqlntdvn. Trên cơ sở tìm hiểu thông tin, doanh nghiệp có thể tự đánh giá theo Bộ tiêu chí ngay trên trang tin điện tử và ứng dụng của Chương trình, tự xác định mức độ đáp ứng Bộ tiêu chí và có kế hoạch hoàn thiện nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc phát sinh, doanh nghiệp có thể tham vấn với Cục CT&BVNTD để tháo gỡ khó khăn./.

[1] Doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng bằng một trong các cách thức sau đây: (1) Trực tiếp đăng ký tại trụ sở Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tại địa chỉ số 25 Ngô Quyền, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội; (2) Đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng tại địa chỉ: https://dnvntd.bvntd.gov.vn; (3) Gửi thư điện tử đến địa chỉ hộp thư riêng của Chương trình: dnvntd@bvntd.gov.vn.  

Các tin khác