Khuyến nghị của OECD về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Khuyến nghị về Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử lần đầu tiên được Hội đồng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thông qua vào năm 1999, và sửa đổi, bổ sung vào năm 2016, trong bối cảnh các xu hướng mới nổi và ngày càng phát triển năng động của nền kinh tế số. Bản Khuyến nghị năm 1999 vạch ra những nguyên tắc căn bản nhất của việc bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử như: khuyến khích các hoạt động kinh doanh, quảng cáo công bằng và minh bạch; cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về doanh nghiệp, hàng hoá và dịch vụ, cũng như giao dịch liên quan; đưa ra các cơ chế giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại toàn diện và đầy đủ; đảm bảo thanh toán an toàn; bảo vệ quyền riêng tư; và giáo dục cho người tiêu dùng. Bản Khuyến nghị sửa đổi năm 2016 bổ sung thêm các vấn đề như:

  • Bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong bối cảnh các giao dịch phi tiền tệ (tức là các giao dịch trong đó người tiêu dùng sử dụng các hàng hoá, dịch vụ “miễn phí” đổi lại cho việc cung cấp dữ liệu cá nhân của chính họ);
  • Cung cấp thông tin đầy đủ và rõ ràng cho người tiêu dùng về những hạn chế mà họ có thể gặp phải khi mua bán, sử dụng các sản phẩm nội dung số; cũng như chức năng và khả năng tương tác giữa các sản phẩm nội dung số khác nhau;
  • Quy định về vai trò của các doanh nghiệp trong các giao dịch C2C và đảm bảo tính chân thực và chính xác của các phản ánh và chứng thực do người tiêu dùng đưa ra;
  • Đảm bảo cung cấp thông tin hiệu quả và lưu giữ thông tin/bằng chứng giao dịch trên các thiết bị điện tử di động;
  • Nêu cao hơn nữa tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử B2C và đảm bảo giải quyêt các mối nguy an ninh;
  • Kêu gọi chính phủ các nước và các bên liên quan hợp tác để đưa ra tiêu chuẩn an toàn tối thiểu cho tất cả thanh toán trực tuyến và bảo vệ người tiêu dùng; và
  • Đảm bảo sao cho các sản phẩm không an toàn hoặc có khuyết tật không được lưu hành, mua bán và cung cấp cho người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan chính phủ để giải quyết triệt để vấn nạn này.

Bản Khuyến nghị khẳng định:

1. người tiêu dùng tham gia vào các giao dịch thương mại điện tử phải được bảo vệ hiệu quả và minh bạch, không thua kém hơn so với mức độ bảo vệ mà họ có thể có được trong các hình thức thương mại khác.”

Ngoài ra, Bản khuyến nghị cũng đưa ra một số các hướng dẫn quan trọng khác như:

“43. người tiêu dùng cần phải được tiếp cận với các cơ chế công bằng, dễ sử dụng, hiệu quả, và minh bạch để giải quyết các tranh chấp thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới một cách kịp thời; và phải được đền bù một cách thích hợp, mà không phải chịu thêm các chi phí và gánh nặng không cần thiết.”

“46. Doanh nghiệp cần đền bù thoả đáng cho người tiêu dùng về những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do hậu quả của các hàng hoá dịch vụ có khuyết tật, làm hư hỏng thiết bị điện tử của người tiêu dùng, không đạt chất lượng quảng cáo, hoặc trong các trường hợp có vấn đề phát sinh trong khâu giao nhận. Các chính phủ và các bên liên quan cần thảo luận để đưa ra các biện pháp đền bù cho người tiêu dùng trong các trường hợp thích đáng liên quan tới các giao dịch phi tiền tệ.”

“48. Doanh nghiệp cần bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng bằng cách đảm bảo sao cho các hoạt động thu thập và sử dụng dữ liệu về người tiêu dùng của họ được tiến hành một cách hợp pháp, minh bạch, và công bằng; cho phép người tiêu dùng có quyền tham gia và lựa chọn; và có những biện pháp đảm bảo an ninh thích đáng.”“53. […] Các chính phủ cần hợp tác với các bên liên quan để […] xem xét, sửa đổi và thông qua, nếu cần, các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, song song đảm bảo nguyên tắc trung lập về công nghệ.”  

Các tin khác