Kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên - thực tiễn ở các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam

Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm. Tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi sự thông minh về chất lượng sản phẩm, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về tính xã hội và tính nhân văn của từng sản phẩm. Trước bối cảnh dịch Covid-19, người dân và các nhà đầu tư đã chuyển dần thói quen mua sắm bằng các kênh tiêu dùng “xanh” và ưu tiên cho bảo vệ sức khoẻ, tái tạo năng lượng.

Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên

Tiêu dùng xanh đã khá phổ biến ở các nước phát triển và có những bước tiến ban đầu ở các nước đang phát triển khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng lên. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp “giải cứu trái đất” trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Theo dữ liệu khảo sát của Nielsen Việt Nam, năm 2020, người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm cao cấp có giá thành cao hơn sản phẩm trung bình từ 20-50%. Trong đó, sản phẩm cao cấp được định nghĩa là sản phẩm có thành phần tự nhiên. Cũng theo nguồn số liệu trên, người tiêu dùng Việt Nam nhận thức rằng hàng cao cấp thường đạt các tiêu chí chất lượng cao (65%), chức năng vượt trội (58%), nguyên liệu bền vững (55%), nguyên liệu tự nhiên (50%), độc đáo (49%). Thêm vào đó, người Việt cũng sẵn sàng chi mạnh hơn hiện tại, bỏ ra số tiền cao hơn 20-50% so với hàng trung bình để sở hữu hàng cao cấp. Đáng chú ý, phần lớn người tham gia khảo sát có quan điểm rằng sản phẩm thiên nhiên là tốt nhất. Thành phần thiên nhiên trong ngành hàng sức khỏe và sắc đẹp được khách hàng đặc biệt quan tâm. Các sản phẩm phổ biến trong xu hướng sống lành mạnh như dầu gội, kem đánh răng, chăm sóc mặt, sữa tắm, sữa dưỡng thể. Cũng theo dữ liệu từ Nielsen, thành phần tự nhiên đóng góp đến 19% giá trị sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Ông Đỗ Hòa (tổng giám đốc Công ty tư vấn tinh hoa quản trị - IME Vietnam) đánh giá việc tái sử dụng, sống xanh đang là xu hướng mà các doanh nghiệp cần quan tâm. Nếu trước kia chúng ta sản xuất sản phẩm dùng một lần rồi bỏ, bây giờ sản phẩm đó sẽ ưu tiên sử dụng lại. Xu hướng tái sử dụng hướng về tự nhiên cũng ứng vào ngành nông nghiệp như việc tìm biện pháp tái sản xuất đất, giảm hóa chất. Ngay cả các doanh nghiệp làm sản phẩm xuất khẩu, nếu dùng bao bì tái sử dụng cho sản phẩm thì sẽ được các nước dễ chấp nhận hơn.

Xu hướng sống lành mạnh cũng thúc đẩy nhu cầu dùng đồ organic tăng lên, áp dụng trong nhiều ngành chứ không chỉ thực phẩm, mỹ phẩm… Điều này cũng đặt ra vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý như việc người tiêu dùng đòi hỏi đồ uống organic thì nông sản cũng organic.

Thực tiễn kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên tại các doanh nghiệp bán hàng đa cấp Việt Nam

Không nằm ngoài xu hướng chung về sản xuất và tiêu dùng xanh, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính nhiều năm qua đã ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; tiêu chuẩn, quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ nguyên vật liệu đến sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nguồn gốc thiên nhiên phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của người tiêu dùng.

Herbalife là tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ và bắt đầu tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2009. Hiện nay, Herbalife là doanh nghiệp bán hàng đa cấp có doanh thu cao nhất tại Việt Nam, đạt 5.905 tỷ đồng năm 2020. Nổi tiếng với các sản phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc từ thảo dược, Herbalife đã và đang giúp hàng triệu người trên toàn thế giới có một cuộc sống khỏe mạnh hơn thông qua việc kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng mục tiêu và chăm sóc cá nhân.

Hầu hết các sản phẩm dinh dưỡng của Herbalife đều có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên. Herbalife đã cam kết về chất lượng nguồn gốc sản phẩm, theo đó, Herbalife Nutrition sử dụng những nguyên liệu tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới để phát triển các dòng sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao. Năm năm liền trong giai đoạn 2017-2021, Herbalife Việt Nam liên tục nhận được giải thưởng “Sản phẩm Vàng vì Sức khỏe cộng đồng” của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam. Bên cạnh đó, Herbalife Việt Nam cũng được vinh danh “Thương hiệu thực phẩm bổ sung dinh dưỡng hàng đầu” tại Giải thưởng Rồng Vàng trong nhiều năm.

Một thương hiệu khác của Hoa Kỳ là Amway cũng đã khẳng định sự phát triển bền vững bằng việc mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm chất lượng cao có nguồn gốc thiên nhiên. Qua đó, Amway một lần nữa minh chứng tính đúng đắn, hiệu quả của chiến lược phát triển bền vững mà Amway đã triển khai trong suốt 60 năm qua.

Amway đã xây dựng hệ thống trang trại hữu cơ Nutrilite ở một số quốc gia trên thế giới như Trang trại Nutrilite Rancho El Petacal tại Tây Nam Mexico và Trang trại Fazenda Amway Nutrilite tại Đông Bắc Brazil để cung cấp nguồn rau quả, hạt hữu cơ như hạt chia Chia trắng, rau chân vịt, quả lựu đỏ, quả acerola cherry để sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng Nutrilite. Đồng thời, Amway cũng vận hành ứng dụng Chương trình Truy xuất nguồn gốc (dành cho các sản phẩm thực phẩm bổ sung Nutrilite), được giới thiệu lần đầu tiên tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Truy xuất nguồn gốc là chương trình độc quyền và duy nhất trên thị trường, tạo nên sự khác biệt của Nutrilite. Với chương trình này, người tiêu dùng có thể dễ dàng biết được sản phẩm mà họ đang sử dụng có nguồn gốc từ đâu, từ hạt giống nguyên liệu đến thành phẩm, từ nhân sự đến thời gian sản xuất cụ thể. Chương trình này tiếp tục được mở rộng trên toàn cầu vào năm 2019.

Chiến lược tăng trưởng xanh

Rõ ràng sản xuất và tiêu dùng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thời đại mới. Để mô hình này được nhân rộng trên cả nước, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Việt, Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã quan tâm đến chính sách tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh cũng bắt đầu được quan tâm nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999),... Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như: Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương); Nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai.

Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu với nội dung: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội; Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.

Chiến lược cũng nêu rõ: để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, cần đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lượng, nước, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, bảo đảm phát triển bền vững.

Quyết định số 1393 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn 2050” chỉ ra hai nhiệm vụ liên quan đến tiêu dùng xanh là xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng. Chiến lược Tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến tiêu dùng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Như vậy, chuyển đổi mô hình tiêu dùng theo hướng xanh và bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và là một nội dung căn bản của mục tiêu phát triển ở Việt Nam hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các đơn vị, cửa hàng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, nhiều công ty đã chú trọng đầu tư dây chuyền máy móc, trang thiết bị hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch. Ðiều này góp phần giúp các sản phẩm của công ty nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường, cập nhật những xu thế, thị hiếu mới của người tiêu dùng…

Để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.

Nguồn tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/nguoi-viet-tang-do-chiu-chi-cho-san-pham-co-thanh-phan-tu-nhien-20191122202134373.htm

(2) https://suckhoedoisong.vn/tap-doan-amway-tiep-tuc-tang-truong-lon-manh-169154003.htm

(3) https://www.amway.com.vn/vn

(4) https://www.herbalife-vietnam.com/

Các tin khác