Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp tại Việt Nam

    Trong khuôn khổ Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021- 2025, lĩnh vực được ưu tiên hướng đến trong năm 2021 là lĩnh vực bán hàng trực tiếp.

    Với mục tiêu thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì người tiêu dùng, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững, Đề án xoay xung quanh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp tại Việt Nam.

  • Bộ tiêu chí đánh giá “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”

    Trước hết, Đề án công bố Bộ tiêu chí đánh giá “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp. Bộ tiêu chí được xây dựng phù hợp với các quy định tại các văn bản pháp luật nói chung, văn bản pháp luật bảo vệ người tiêu dùng nói riêng, đồng thời cũng đảm bảo với thực tiễn kinh doanh của lĩnh vực bán hàng trực tiếp. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính thực tiễn, Bộ tiêu chí còn được lấy ý kiến tham vấn, đánh giá từ các cơ quan, tổ chức hữu quan.

    Khi được ban hành, bộ tiêu chí được xem như là công cụ giúp doanh nghiệp bán hàng trực tiếp tự soi xét, đánh giá công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại doanh nghiệp của mình, từ đó tự điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

  • Phát triển hệ thống công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

    Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình doanh nghiệp bán hàng trực tiếp tham gia đánh giá theo các tiêu chí tại Bộ tiêu chí nêu trên, Đề án còn triển khai, phát triển hệ thống công nghệ thông tin bao gồm trang thông tin điện tử, hệ thống phần mềm, ứng dụng cài đặt thiết bị di động và cơ sở dữ liệu.

    Với hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tự đánh giá, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện trách nhiệm và quy tắc ứng xử đối với người tiêu dùng theo các tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”.

  • Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

    Đề án tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhằm thu hút sự quan tâm không chỉ từ cộng đồng doanh nghiệp mà còn cả cộng đồng người tiêu dùng. Các hình thức tuyên truyền được xây dựng với tiêu chí đa dạng cách thức truyền tải thông tin tới cộng đồng và tiếp cận với nhiều đối tượng trong xã hội.

    Thông các hoạt động tuyên truyền, người tiêu dùng hiểu rõ tầm quan trọng của Bộ tiêu chí trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình khi tham gia giao dịch với doanh nghiệp bán hàng trực tiếp. Từ đó, người tiêu dùng có động lực để đóng góp ý kiến, đánh giá mức độ hài lòng đối với chất lượng hàng hóa, dịch vụ và quy trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia Bộ tiêu chí.

    Ngược trở lại, sự quan tâm của cộng đồng người tiêu dùng đối với bộ tiêu chí cũng là động lực để doanh nghiệp chủ động tham gia và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định tại Bộ tiêu chí của Đề án.

  • Tăng cường công tác đào tạo doanh nghiệp bán hàng trực tiếp

    Để Bộ tiêu chí đánh giá Doanh nghiệp vì người tiêu dùng thâm nhập vào hoạt động kinh doanh của doan nghiệp bán hàng trực tiếp, Đề án tăng cường công tác đào tạo, tập huấn doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có khả năng ứng dụng kiến thức pháp luật vào thực tiễn kinh doanh, gắn kết trách nhiệm với người tiêu dùng vào từng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

    Thứ nhất, doanh nghiệp bán hàng trực tiếp tham gia Đề án sẽ được tập huấn, đào tạo cách thức tự đánh giá, kiểm tra hoạt động kinh doanh theo tiêu chí doanh nghiệp vì người tiêu dùng. Khi đó, doanh nghiệp có khả năng đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như mức độ thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng tại doanh nghiệp.

    Thứ hai, doanh nghiệp được hướng dẫn xây dựng chương trình chính sách tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với các đặc thù của lĩnh vực bán hàng trực tiếp và điều kiện của doanh nghiệp. Từ đó, chương trình tuân thủ của doanh nghiệp mang tính thực tiễn cao, dễ dàng áp dụng thông suốt trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

    Thứ ba, doanh nghiệp được đào tạo nhằm (i) xây dựng và thực hiện quy trình thu hồi sản phẩm khuyết tật; (ii) xây dựng và vận hành hệ thống tiếp nhận thông tin; (iii) giải đáp thắc mắc của người tiêu dùng; tư vấn, hỗ trợ, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng tại doanh nghiệp.

  • Hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trực tiếp nâng cao thang điểm trong Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng

    Đề án hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trực tiếp thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng đáp ứng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng.

    Thông qua kết quả khảo sát, doanh nghiệp thực hiện hoàn thiện chính sách kinh doanh nhằm tuân thủ pháp luật, cũng như đạt các mức độ cao hơn theo đánh giá của Bộ tiêu chí.

Các tin khác