Dưới tác động của đại dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng nói chung của người dân đã có sự thay đổi, theo đó, giảm bớt chi tiêu vào những sản phẩm xa xỉ hay các dịch vụ du lịch, giải trí, thay vào đó, tăng cường nhu cầu đối với các sản phẩm thiết yếu, thuốc men, thực phẩm cung cấp dinh dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp thông qua phương thức kinh doanh đa cấp, kể từ khi xuất hiện đến nay, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm vẫn là hai nhóm ngành hàng chiếm ưu thế chủ đạo trong cơ cấu sản phẩm được kinh doanh đa cấp ở trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch, cơ cấu sản phẩm được bán trực tiếp thông qua phương thức kinh doanh đa cấp trong năm 2020 một lần nữa phản ánh đậm nét hơn vị trí ưu thế của phân khúc thực phẩm chức năng, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.
Tổng hợp từ số liệu của Liên đoàn các hiệp hội bán hàng trực tiếp toàn cầu, năm 2020, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe chiếm khoảng 62,4% tỷ trọng doanh thu bán hàng trực tiếp toàn cầu.
Bên cạnh đó, nhóm mặt hàng thiết bị, đồ gia dụng cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng trong năm 2020 khi nhiều người dành phần lớn thời gian của mình ở nhà trong bối cảnh bị phong tỏa, giãn cách xã hội.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thực phẩm chức năng là ngành hàng có doanh thu bán hàng đa cấp cao nhất, đạt mức 13.133 tỷ đồng, chiếm tới 85,1% tỷ trọng tổng doanh thu toàn thị trường. Năm 2020, mức tăng trưởng 29% của các mặt hàng thực phẩm chức năng là đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng doanh thu của toàn ngành, bù lại cho những mặt hàng có doanh thu bán hàng giảm như mỹ phẩm (giảm 14%), quần áo, đồ dùng thời trang (giảm 98,5%). Tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu bán hàng đa cấp tại Việt Nam, nhưng doanh số bán đồ gia dụng cũng theo xu hướng chung của thế giới có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020, với mức tăng 198% so với năm 2019.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã kịp điều chỉnh cơ cấu sản phẩm kinh doanh của mình, nhanh chóng xây dựng các chiến lược nghiên cứu, phát triển sản phẩm dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu của xã hội và người tiêu dùng. Điển hình, Amway – một doanh nghiệp kinh doanh nhiều loại sản phẩm cho biết dinh dưỡng là một phân khúc tăng trưởng chính của Amway trong năm 2020, trong đó, vitamin và các thực phẩm bổ sung dưới nhãn hiệu Nutrilite chiếm tới trên 50% tổng số sản phẩm bán ra của doanh nghiệp này. Một số các thương hiệu khác trong lĩnh vực bán hàng đa cấp như Herbalife, Nu Skin… cũng định hướng điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, tập trung nhiều hơn vào việc kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng./.