Ngành thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong năm vừa qua đã chứng kiến những tăng trưởng khá ấn tượng. Đi kèm với xu hướng phát triển này, nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng TMĐT tại Việt Nam trong năm qua cũng tăng cao với tốc độ tương ứng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và thúc đẩy năng lực phát triển bền vững của ngành.
Để có cái nhìn rõ nét hơn về nhu cầu và xu hướng đầu tư cơ sở hạ tầng trong ngành TMĐT tại Việt Nam những năm qua, chúng ta sẽ tìm hiểu lần lượt các nội dung sau:
• Thực trạng đầu tư hạ tầng TMĐT tại Việt Nam thông qua nhu cầu và xu hướng đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp TMĐT;
• Các phân tích về thực trạng và xu hướng đầu tư vào việc nâng cao tính an toàn và bảo mật thông tin, cũng như xu hướng phát triển các hoạt động nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi kinh doanh trong TMĐT;
• Các xu hướng đầu tư vào việc phát triển hệ thống Logistics hiệu quả và bền vững đối với thị trường TMĐT trong năm vừa qua.
1. Thực trạng đầu tư hạ tầng công nghệ TMĐT tại Việt Nam
Hình 1. Đánh giá về mức độ quan trọng của việc đầu tư vào CNTT và TMĐT
Vấn đề đầu tư tập trung cho cơ sở hạ tầng hiện nay tại Việt Nam đang được khá nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo thống kê từ VECOM, năm 2022, có đến 55% doanh nghiệp đánh giá việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và TMĐT có vai trò từ quan trọng đến rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hình 2. Đánh giá về hiệu quả của việc đầu tư vào CNTT và TMĐT trong hoạt động kinh doanh sản xuất
Hiệu quả của việc đầu tư vào CNTT và TMĐT cũng được đánh giá cao từ các doanh nghiệp Việt Nam. Theo báo cáo của VECOM vào năm 2022, có đến 96% doanh nghiệp cho rằng việc đầu tư vào lĩnh vực này mang lại hiệu quả kinh doanh từ mức “Tương đối hiệu quả” đến “Rất hiệu quả”. Trong đó, các doanh nghiệp lớn có mức độ chú trọng đầu tư vào CNTT và TMĐT cao hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
1.1. Những hạng mục và mức đầu tư cho hạ tầng trong TMĐT tại Việt Nam
Hình 3. Hình thức sử dụng các phần mềm quản lý qua các năm
Theo báo cáo mới nhất của VECOM, năm 2022 ghi nhận xu hướng gia tăng đối với đầu tư cho hạ tầng TMĐT tại Việt Nam, đặc biệt là đối với hạng mục đầu tư vào các hệ thống phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu. Cụ thể, đối với việc đầu tư và sử dụng hệ thống phần mềm quản lý, có đến gần 90% doanh nghiệp TMĐT cho biết họ có sử dụng các phần mềm quản lý tài chính, và gần 60% trong số họ cũng cho biết có sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự.
Tuy nhiên, đối với việc sử dụng các hệ thống quản lý chuyên sâu hơn như CRM, ERP và SCM, con số này vẫn còn khá hạn chế với chỉ khoảng chưa đến 30% doanh nghiệp cho biết có sử dụng, và đa số trong nhóm này là các doanh nghiệp lớn. Mức đầu tư vào các hệ thống này được dự kiến sẽ tăng cao trong năm tới khi kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến hơn và các doanh nghiệp buộc phải đầu tư để thích nghi với các nhu cầu mới của khách hàng và cạnh tranh với các đối thủ. Các hạ tầng kỹ thuật khác như chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, và hóa đơn điện tử đều ghi nhận mức tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.
1.2. Các xu hướng đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ trong TMĐT
Tập trung cho tự động hóa, công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo và kết nối cơ sở hạ tầng là những xu hướng nổi bật trong đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ trên TMĐT ở thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Thứ nhất, ở góc độ Logistics Intelligence, tự động hóa và kết nối cơ sở hạ tầng là hai xu hướng công nghệ nổi bật trong năm 2022 và quan trọng đối với hoạt động Logistics trong TMĐT. Khách hàng Việt Nam kỳ vọng nhận được đơn hàng nhanh chóng với chi phí hợp lý. Vì vậy việc áp dụng các hệ thống để cải thiện kết nối hạ tầng và tự động hóa nhằm tối ưu hóa quy trình để giao hàng, ví dụ như giúp đơn vị vận chuyển biết sắp tới mình sẽ nhận đơn hàng loại gì, sắp xếp lên xe như thế nào, từ đó tìm ra lộ trình để chuyển hàng nhanh nhất có thể, là vô cùng quan trọng và nhận được nhiều sự chú ý.
Ngoài ra, để việc giao hàng diễn ra nhanh chóng, trong kho cần có hệ thống công nghệ tính toán tự động để sắp xếp và luân chuyển một cách tối ưu. Ví dụ, các công ty thường đầu tư phát triển các băng tải tự động để tăng khả năng tải hàng hóa và năng suất lao động. Các băng chuyền này có thể được nâng cấp bằng cách thêm nhiều thuật toán, sao cho các gói hàng hóa cho khách hàng ở xa nhất được đặt ở dưới cùng và các gói hàng được giao cho khách hàng gần nhất ở trên cùng.
Thứ hai, ở góc độ ứng dụng các công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo AI cũng là một xu hướng phát triển khác đối với ngành TMĐT Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nếu cá nhân hóa là một khía cạnh quan trọng trong việc tăng lợi nhuận kinh doanh thì trí tuệ nhân tạo cho phép thực hiện việc cá nhân hóa cửa hàng trực tuyến, và là một trong những xu hướng công nghệ TMĐT mới nhất.
Một số hoạt động ứng dụng AI nổi trội của ngành TMĐT trong năm 2022
• Phát triển trợ lý giọng nói: Người tiêu dùng thường xuyên sử dụng nó để tìm kiếm sản phẩm họ cần ở chế độ rảnh tay mà không cần phải trực tiếp gõ bàn phím. Ứng dụng AI ở hoạt động này là cần thiết để nhận diện, hiểu các truy vấn tìm kiếm của khách hàng và cung cấp các kết quả phù hợp nhất.
• Phát triển Chatbot: Chatbot TMĐT được phát triển nhằm cải thiện trải nghiệm của khách hàng và nâng cao hình ảnh thương hiệu. Theo đó, công nghệ AI cho phép chatbot phân tích và hiểu được thông tin từ các nguồn dữ liệu khác nhau như cơ sở dữ liệu hay các tài liệu khác để tạo ra các câu trả lời chính xác và hữu ích cho người dùng. Đồng thời, AI cũng giúp các chatbot có khả năng hiểu và phản hồi cho người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên, thay vì các lệnh hay mã lệnh cụ thể.
• Ứng dụng trong hoạt động marketing và quảng cáo: AI có thể được ứng dụng trong các hoạt động thiết kế (ví dụ như logo và nội dung video) nhằm tăng tính trực quan, tạo và thử nghiệm các chiến dịch quảng cáo, và phát triển các nội dung tiếp thị.
1.3 Những công nghệ nổi bật được ứng dụng trên sàn TMĐT tại Việt Nam 2022
Hầu hết các doanh nghiệp TMĐT đều không ngừng tìm kiếm và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào hoạt động vận hành, kinh doanh, dịch vụ… từ đó tiếp cận hiệu quả hơn với khách hàng mục tiêu. Đại diện của sàn TMĐT Lazada cho biết họ đầu tư vào công nghệ hạ tầng TMĐT từ lúc mới thành lập ở Việt Nam. Sau hơn một thập kỷ, sàn này đã xây dựng được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật công nghệ tương đối hoàn thiện, hướng tới ứng dụng công nghệ trong hầu hết quy trình vận hành.
Cụ thể như:
Đây là công nghệ giúp hỗ trợ NBH hiển thị và quản lý sản phẩm của mình khi tham gia giao dịch trên sàn TMĐT của Lazada. Công nghệ này cho phép NBH theo dõi việc vận hành kinh doanh theo thời gian thực và theo từng mốc thời gian trong ngày, trong tuần, trong tháng.
Từ đó, NBH có thể dự đoán những giai đoạn cao điểm và nhu cầu của người tiêu dùng (NTD) theo từng nhóm sản phẩm, khung giờ truy cập cao điểm, các loại khuyến mãi và voucher ưa thích, để nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại và trí tuệ nhân tạo AI cũng được ứng dụng trong việc giúp sàn TMĐT và các nhà bán hàng xác định những phân khúc khách hàng tiềm năng dựa trên thông tin nhân khẩu học hay lịch sử mua sắm… Đồng thời, việc ứng dụng AI trong thuật toán tìm kiếm sẽ giúp các doanh nghiệp TMĐT dự đoán được mục đích của người sử dụng để gợi ý các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ nhất từ nhiều ngành hàng khác nhau, qua đó đáp ứng tối đa trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng, đồng thời gia tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng thành công cho nhà bán hàng.
Hệ thống cơ sở hạ tầng logistics được xem là thế mạnh của Lazada trên thị trường TMĐT. Vì vậy, hạ tầng logistics được tập trung đầu tư và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo AI nhằm giúp gia tăng tối đa hiệu suất giao hàng với chi phí hợp lý cho cả người bán và người mua hàng. Các công nghệ nổi bật trong logistics của Lazada phải kể đến:
Nhóm liên quan đến thiết kế mạng lưới logistics:
• Ứng dụng công nghệ bản đồ số để tính toán mật độ của người gửi và người nhận tại một khu vực, qua đó cân đối mạng lưới các trạm khai thác theo nhiều phân cấp khác nhau.
• Ứng dụng thuật toán để tính toán điểm đặt trạm khai thác.
• Số hoá việc thiết kế mạng lưới vận chuyển
(Network transportation digitalization) để kiểm soát toàn bộ quá trình vận chuyển của hàng hoá và quản lý thời gian chuyển phát cam kết (Promise Leadtime Management).
Nhóm liên quan đến hoạt động Giao – Nhận:
• Công nghệ Geolocation nhằm số hoá địa chỉ của người mua và người bán vào trong cơ sở dữ liệu để phục vụ cho việc phân bổ khối lượng công việc và định tuyến đường cho nhân viên giao hàng.
• Công nghệ VRP (Vehicle Route Planning) dùng thuật toán để tối ưu hoá tuyến đường đi của nhân viên giao nhận.
2. Tính ổn định và an toàn thông tin
Tính ổn định và an toàn thông tin là một trong những yêu cầu hàng đầu đối với khả năng phát triển bền vững của TMĐT. Với sự bùng nổ của ngành TMĐT trong những năm qua, đặc biệt kể từ sau đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, việc đảm bảo an toàn thông tin đã và đang trở thành một vấn đề cấp thiết.
Tại Việt Nam, ngành TMĐT trong năm vừa qua cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng ở mức đầu tư và số lượng các sáng kiến hướng đến ổn định hạ tầng và bảo vệ an toàn thông tin, nhờ đó quyền lợi của người dùng cũng gia tăng đáng kể. Trong phần này, báo cáo sẽ phân tích những xu hướng đầu tư nhằm ổn định hạ tầng và những hoạt động giúp nâng cao năng lực bảo mật thông tin của các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam trong năm qua.
2.1 Mức độ ổn định trong hạ tầng
Mức độ ổn định trong hạ tầng, ví dụ như tốc độ, chất lượng chuẩn hoá đồng bộ, kết nối liên thông, giảm thiểu rủi ro, sự cố kỹ thuật, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định vận hành của hệ thống.
Vì vậy, các doanh nghiệp TMĐT hiện nay đang tích cực đầu tư phát triển hạ tầng, đồng thời nâng cao tính ổn định trong hạ tầng. Là một trong những doanh nghiệp có khả năng hậu cần đầu cuối và năng lực kiểm soát chuỗi cung ứng hiệu quả, Lazada Việt Nam duy trì được sự ổn định trong quá trình hoạt động và kết nối hạ tầng.
Đây là yếu tố then chốt giúp cho doanh nghiệp này tăng sức cạnh tranh, tiết kiệm chi phí và đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của ngành TMĐT. Lazada có các trung tâm thực hiện việc vận hành và kiểm soát chuỗi cung ứng ở khắp các tỉnh thành tại Việt Nam nói riêng và trên toàn Đông Nam Á nói chung.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để đảm bảo sự đồng bộ và ổn định của mạng lưới chuỗi cung ứng, dù trong những giai đoạn có nhiều bất lợi từ bối cảnh bên ngoài, đơn cử như các giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
2.2 Tăng cường an toàn và bảo mật thông tin
Với lượng người dùng tăng cao trong những năm qua, các doanh nghiệp TMĐT trở thành miếng mồi thu hút đối với các đối tượng muốn lấy cắp thông tin. Việc tăng cường an toàn và bảo mật thông tin trong ngành TMĐT được chia ra làm hai hạng mục đó là các xu hướng đầu tư vào triển khai và cải thiện hệ thống an toàn – bảo mật thông tin, và xu hướng phát triển các chương trình nhằm hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của người bán.
• An toàn và bảo mật thông tin
Tần suất và mức độ phức tạp của các cuộc tấn công mạng đã tăng vọt trong những năm gần đây, chính vì vậy, bảo mật TMĐT đang trở thành một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp trực tuyến ngày nay không thể bỏ qua.
Bảo mật TMĐT bao gồm tăng cường an toàn và bảo mật thông tin đầu cuối trong hạ tầng (thông tin của người mua và người bán); tăng cường các biện pháp an ninh mạng; và thực hiện các quy trình bảo vệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Những biện pháp này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng lòng tin của khách hàng, nhà bán hàng và các đối tác khi tham gia nền tảng TMĐT.
• Bảo vệ sở hữu trí tuệ
Bảo vệ sở hữu trí tuệ TMĐT cũng là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt trong những năm gần đây bởi không chỉ số lượng các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng, mà hành vi thực hiện cũng ngày càng tinh vi hơn.
Các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phổ biến trong TMĐT có thể kể đến:
• Giả mạo nhãn hiệu, kiểu dáng.
• Xâm phạm quyền tác giả.
• Xâm phạm và tranh chấp tên miền.
• Giao dịch mua bán hàng giả, hàng nhái.
• Thực hiện các hành vi quảng cáo nhằm mục đích trở thành phương tiện để các chủ thể sử dụng cho các hành vi mua bán hàng nhái, hàng giả, cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong môi trường kinh doanh TMĐT. Ngoài ra, bản thân nhiều doanh nghiệp TMĐT cũng đã cho thấy sự chủ động trong việc phát triển các chương trình nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của người dùng khi thực hiện kinh doanh – mua bán trên nền tảng của mình.
3. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Logistics
Logistics được xem như là một trong những yếu tố “sống còn” của TMĐT. Hệ thống Logistics đóng vai trò kết nối đầu cuối trong toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp TMĐT, bao gồm cả các hệ thống TMĐT xuyên quốc gia.
Ngoài ra, hệ thống logistics hiệu quả cũng sẽ là “chìa khóa” tăng trải nghiệm mua sắm TMĐT của khách hàng. Các nội dung trong phần này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về xu hướng đầu tư Logistics hiệu quả và bền vững trong ngành TMĐT Việt Nam.
Đầu tiên, đó là chi phí Logistics trong TMĐT – thể hiện vai trò to lớn của việc quản lý Logistics đến hiệu quả trong vận hành của các doanh nghiệp TMĐT.
Thứ hai, các xu hướng đầu tư công nghệ vào Logistics tại thị trường TMĐT Việt Nam.
Thứ ba, xu hướng phát triển các chương trình hỗ trợ sau giao hàng như tự động hóa các chương trình bảo hành và đổi trả hàng hóa tại các sàn TMĐT.
Thứ tư, xu hướng áp dụng công nghệ trong việc giảm thiểu các tác động đến môi trường từ hoạt động vận hành của các sàn TMĐT nhằm xây dựng năng lực phát triển bền vững.
3.1. Chi phí Logistics trong TMĐT
Ở thời điểm hiện tại, chi phí logistics của nền kinh tế Việt Nam nói chung và đối với ngành TMĐT nói riêng vẫn còn khá cao. Nội dung chia sẻ tại diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển” cho biết những chi phí liên quan đến logistics chiếm khoảng 20% GDP ở Việt Nam, nhưng tại các nước tiên tiến, con số này chỉ chiếm khoảng 7-9%. Cũng tại diễn đàn này, nghiên cứu của CBRE cho biết rằng cứ 1 tỷ USD doanh thu TMĐT sẽ cần 93.000 m2 kho bãi, như vậy, ước tính đến năm 2025 nhu cầu về kho bãi ở Việt Nam sẽ cần hơn 2 triệu m2 khi mà TMĐT đạt 39 tỷ USD.
Theo báo cáo của VECOM, trong năm 2021, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10% đến 20%. Trong chi phí logistics, chi phí vận chuyển có tỷ lệ đóng góp cao nhất khoảng từ 60% đến 80%, xếp theo sau là chi phí xếp dỡ và lưu kho, chia đơn hàng...
3.2. Đầu tư vào Logistics trong TMĐT
Những con số chi phí liên quan đến logistics ở trên được dự báo sẽ có cải thiện đáng kể trong tương lai khi sự xâm nhập và đầu tư từ các sàn TMĐT trở nên mạnh mẽ hơn. Có thể nói, bên cạnh sự phát triển bùng nổ của TMĐT, vận tải và logistics trong TMĐT của Việt Nam cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ khi lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng tăng cao.
Các doanh nghiệp TMĐT đang tăng cường đẩy mạnh đầu tư vào mảng logistics bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo AI, Internet of Things (IoT) và blockchain để tối ưu hóa hoạt động logistics. Các công nghệ này được ứng dụng tập trung vào việc cải thiện độ chính xác, giảm thời gian và chi phí của quy trình vận chuyển, quản lý kho và phân phối hàng hóa, qua đó cải thiện hiệu quả chi phí vận hành mà vẫn đảm bảo được chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn mở rộng tìm kiếm các đối tác logistics đáng tin cậy, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nhân lực chất lượng để đảm bảo hoạt động logistics được thuận lợi và hiệu quả. Cùng với tốc độ phát triển ấn tượng của ngành TMĐT, đầu tư vào logistics được nhận định là một trong những xu hướng trọng yếu trong những năm tới nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao trải nghiệm cho người dùng.
3.3. Quản lý giao vận hiệu quả
Quản lý giao vận hiệu quả giúp các doanh nghiệp TMĐT có thể đạt được tỷ lệ giao hàng đúng hạn cao hơn, cho phép người dùng (bao gồm cả nhà bán hàng và khách hàng) chủ động trao đổi các vấn đề liên quan đến vận chuyển, và tự động hóa quy trình trả hàng.
Để nâng cao hiệu quả quản lý giao vận, nhiều đơn vị kinh doanh trên TMĐT ngày nay chú trọng vào phát triển các hệ thống giao nhận, kho bãi, áp dụng công nghệ vào quản lý các hoạt động logistics. Tuy nhiên, hiện nay chưa nhiều đơn vị chú trọng vào phát triển các giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hồi, xử lý hàng. Điều này dẫn đến những hạn chế trong việc đáp ứng được chất lượng dịch vụ thu hồi, đổi trả hàng lỗi hay đổi trả sản phẩm bảo hành, gây tác động trực tiếp đến quyền lợi và trải nghiệm của người dùng. Chỉ mới một số ít doanh nghiệp TMĐT lớn dành sự quan tâm đáng kể đến việc đầu tư và phát triển các hạng mục này.
Việc xây dựng chính sách Trả hàng trực tiếp cho NBH (DRTM) được sàn TMĐT Lazada triển khai đầu tiên tại Việt Nam. Quy trình này cho phép NBH theo dõi, quản lý và xử lý các yêu cầu trả hàng trong thời gian nhất định. NBH có thể tương tác trực tiếp với khách hàng lúc yêu cầu trả hàng được tạo cho đến khi nhận lại hàng trả. Trong trường hợp tranh chấp xảy ra, Lazada sẽ là đơn vị trung gian theo dõi và xử lý.
Một số lợi ích của chính sách DRTM do nền tảng này cung cấp có thể kể đến như:
• NBH được trao quyền quản lý hàng đổi trả thông qua các công cụ do Lazada cung cấp
• Giảm thời gian sản phẩm được hoàn trả lại NBH
• Giảm tỷ lệ hoàn trả bằng cách chủ động gửi lại sản phẩm thay thế/bổ sung hoặc hoàn tiền
• Gia tăng cơ hội tương tác với khách hàng, xây dựng hình ảnh gian hàng và củng cố lòng tin của khách hàng
• Tăng mức độ hài lòng của khách nhờ việc giảm thời gian trả hàng/hoàn tiền
3.4 Áp dụng công nghệ và sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và nguồn lực
Ứng dụng công nghệ vào hệ thống vận hành không chỉ giúp các doanh nghiệp TMĐT tối ưu hóa hiệu suất vận hành, tăng lợi thế cạnh tranh, mà còn giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và nguồn lực, thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững. Với mức độ phổ biến ngày càng tăng, các công nghệ AI đang được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực logistics để cải thiện quá trình quản lý hàng hóa, tăng hiệu suất hoạt động, tự động hóa toàn bộ quá trình thiết kế tuyến đường giao hàng, rút ngắn thời gian di chuyển và giảm chi phí.
Bên cạnh việc áp dụng công nghệ AI, quá trình chuyển đổi sang các giải pháp cac-bon thấp đang trở nên nổi bật hơn trong ngành logistics và thương mại kỹ thuật số. Nhiều doanh nghiệp TMĐT đã lần lượt đưa ra nhiều chiến dịch giảm thiểu lượng khí thải cac-bon bằng cách phát triển các bản kiểm kê cac-bon để xác định khí thải nhà kính xuất phát từ chính hoạt động vận hành của mình. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp TMĐT cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, ví dụ như các vật liệu đóng gói có thể tái chế được làm từ các loại màng sinh học và polyme sinh học, nhằm giảm lượng rác thải nhựa nguyên sinh. Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến sáng tạo khác đã được các doanh nghiệp TMĐT tích cực đề xuất trong năm vừa qua./.