Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia. Các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Nhưng đi đôi với sự phát triển, thị trường TMĐT cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn đến từ tác động của suy thoái kinh tế.
Đứng trước bối cảnh này, các doanh nghiệp TMĐT cần phải thực sự chú trọng vào việc xây dựng một chiến lược phát triển kinh doanh bền vững để vừa có thể tăng trưởng, mang lại nhiều giá trị cho khách hàng, vừa có được sức mạnh để trụ vững trước những tác động của thị trường.
Đó cũng chính là nội dung trong phần này khi tìm hiểu bốn yếu tố chính cấu thành nên sự phát triển kinh doanh bền vững cho các doanh nghiệp TMĐT, bao gồm:
• Mô hình kinh doanh bền vững;
• Gia tăng giá trị sản phẩm một cách bền vững;
• Phát triển hệ sinh thái TMĐT bền vững;
• Quản lý tài chính bền vững.
1. Mô hình kinh doanh bền vững
Một mô hình kinh doanh bền vững trên cả ba phương diện môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định được tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển trong thời kỳ kỹ thuật số. Trong đó, khí thải và tài nguyên là những vấn đề môi trường nóng bỏng nhất, còn nguồn nhân lực và DEI (sự đa dạng, công bằng và hòa nhập) sẽ tiếp tục là những chủ đề được doanh nghiệp và xã hội quan tâm hàng đầu.
Hình minh họa: Các chủ đề môi trường, xã hội và quản trị của mô hình kinh doanh kỹ thuật số bền vững theo Báo cáo kinh tế Internet Đông Nam Á 2022 của Google, Temasek, Bain & Company
Về yếu tố môi trường, nền kinh tế TMĐT Đông Nam Á dự kiến sẽ tạo ra 20 tấn khí thải vào năm 2030. Mặc dù con số này khá khiêm tốn so với nhiều lĩnh vực khác nhưng vẫn rất đáng lưu tâm để Việt Nam hướng tới thực hiện cam kết COP26 đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Trước thực trạng này, các nền tảng kỹ thuật số cần tiếp tục mở rộng thêm nhiều sáng kiến giảm thiểu phát thải và tái chế, hướng đến mục tiêu giảm 30 – 40% tác động lên môi trường so với các kênh truyền thống. Đồng thời, các nền tảng cũng có thể đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và tiến tới thu hẹp khoảng cách ‘nói là làm’ phổ biến (41% nói so với 3% làm theo Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á 2022 từ Google, Temasek, Bain & Company).
Về mặt xã hội, nền kinh tế TMĐT đã mang lại nhiều cơ hội kinh doanh, việc làm và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế. Theo Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á 2022 từ Google, Temasek, Bain & Company, các nền tảng đã cho phép hơn 20 triệu người bán và 7 triệu quán ăn phát triển hoạt động kinh doanh trực tuyến; theo đó, 160.000 công việc tay nghề cao và 30.000 công việc hỗ trợ được tạo ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, để đạt được trạng thái bền vững về mặt xã hội, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, đồng thời, tăng cường đảm bảo phúc lợi và môi trường làm việc lành mạnh cho các đối tác công nhân, người lao động.
Về phương diện quản trị, các bên liên quan đến TMĐT cần chủ động xem xét các thông lệ quốc tế về ESG dựa trên việc xây dựng các chính sách nhất quán, phù hợp với Việt Nam; tiến hành đối thoại thường xuyên với các cơ quan chức năng khi đưa ra các quy định mới để khuyến khích tăng trưởng, đồng thời cân bằng nhu cầu ESG; và thực hiện các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp hướng tới các giải pháp ít sử dụng các-bon hơn. Một ví dụ tích cực là Công ty cung cấp dịch vụ và phần mềm cho doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp TMĐT) - Salesforce - đã ký kết ‘Nguyên tắc chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan’ trong Diễn đàn kinh tế thế giới nhằm định hình các mục tiêu bền vững trên toàn cầu và tự chịu trách nhiệm trước các tiêu chuẩn ESG quốc tế. Công ty này cũng thành lập Hội đồng tư vấn bền vững, bao gồm các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc và Trung tâm Năng lượng ASEAN để đảm bảo các cam kết bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.
Tại Việt Nam, việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững đang ngày được các doanh nghiệp chú trọng. Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 của PwC, 80% doanh nghiệp tại Việt Nam đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2 - 4 năm tới.
2. Gia tăng giá trị sản phẩm và dịch vụ một cách bền vững trên kênh thương mại điện tử
Các kênh TMĐT vẫn đang phát triển ngay cả khi chi tiêu tiêu dùng chuyển sang ngoại tuyến một phần sau đại dịch Covid-19. Đa số các doanh nghiệp đang tối ưu hóa hoạt động kinh doanh bằng cách giảm dần các chương trình khuyến mãi, tăng cường mang đến thêm nhiều giá trị cho khách hàng để xây dựng một kết nối bền vững dài hạn với người dùng, đồng thời gia tăng lợi nhuận.
Có thể nói đây là bước chuyển đổi trong chiến lược của các doanh nghiệp: từ tăng số lượng người dùng mới sang tăng cường tương tác với người dùng hiện có để gia tăng tần suất mua hàng, giá trị đơn hàng và mức độ trung thành của họ, đặc biệt là khi giá trị trung bình của các đơn đặt hàng vẫn còn nhỏ (10-15 USD mỗi đơn hàng theo báo cáo SYNC Đông Nam Á 2022). Giá trị của sản phẩm và dịch vụ trong TMĐT được cải thiện thông qua sự thấu hiểu sâu sắc về những thay đổi trong tâm lý, hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Đó là lý do nhiều doanh nghiệp TMĐT đã và đang ứng dụng công nghệ, hoặc kết hợp với các công ty phân tích hành vi khách hàng để tìm hiểu từ việc tiếp cận thương hiệu – sản phẩm đến khi thực hiện mua hàng, từ đó hiểu được nhu cầu mua sắm thực tế và gia tăng giá trị các sản phẩm, dịch vụ mà họ đề xuất cho khách hàng.
Ở một khía cạnh khác, tính bền vững trở thành một trụ cột quan trọng của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT khi nhiều nhà bán lẻ bắt đầu thực hiện các giải pháp kinh doanh thân thiện với môi trường thông qua giảm khí thải, đổi sang bao bì tái chế và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các dịch vụ bền vững. Điều này thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh, giảm thiểu và tái chế vật liệu đóng gói, cung cấp các lựa chọn thay thế cho nhựa; tối ưu hóa chuỗi cung ứng chặng cuối, tính thuế các-bon để bù đắp phí tổn xã hội của việc phát thải các-bon; cũng như khắc phục sự cố môi trường; đưa ra các giải pháp phúc lợi xã hội cho cả người lao động cũng như đối tác của người lao động.
3. Phát triển hệ sinh thái TMĐT bền vững
Không chỉ tập trung tăng trưởng doanh số, một số nền tảng TMĐT lớn hiện nay đang triển khai mô hình hệ sinh thái TMĐT bền vững. Đây là khái niệm dùng để chỉ một mạng lưới các chức năng và nền tảng hoạt động cùng nhau để tạo ra trải nghiệm mua và bán hàng hóa liền mạch, thông suốt trên nền tảng số.
Tuy chỉ trong giai đoạn đầu phát triển, hệ sinh thái TMĐT của Việt Nam đã tạo nhiều cơ hội để các nền tảng TMĐT nâng cao năng lực phục vụ cốt lõi của mình, cho phép mở rộng các lĩnh vực then chốt như chuỗi cung ứng và thanh toán kỹ thuật số - đây là hai yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp trong hệ sinh thái này có thể hỗ trợ qua lại và cùng nhau trụ vững trước những tác động của thị trường bên ngoài.
Ở góc độ chuỗi cung ứng, việc mở rộng quy mô phát triển đồng nghĩa với việc xây dựng một chiến lược chuỗi cung ứng toàn diện với tính linh hoạt và khả năng mở rộng. Các doanh nghiệp cần liên tục đánh giá hoạt động của chuỗi cung ứng dựa trên các KPIs, các dữ liệu và bất kỳ thay đổi nào khác trên thị trường để điều chỉnh hệ thống của họ cho phù hợp. Điều này tạo nên thói quen dự đoán những thách thức bên ngoài và giúp doanh nghiệp thích ứng phù hợp để vượt qua chúng với sự gián đoạn tối thiểu.
Ở góc độ thanh toán số, hệ sinh thái thanh toán số của Việt Nam bao gồm cổng thanh toán điện tử và dịch vụ ví điện tử.
Dịch vụ cổng thanh toán điện tử đóng vai trò là cầu nối giữa người mua và người bán trong TMĐT, giúp khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt một cách nhanh chóng, thuận tiện và bảo mật thông tin cá nhân.
Ví điện tử tại Việt Nam đang phát triển rộng rãi và được sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Tiki hay các ứng dụng khác như Grab, Spotify. Việc cung cấp đa dạng các phương thức thanh toán như cổng thanh toán điện tử hay ví điện tử trên các nền tảng TMĐT mang đến trải nghiệm nhanh chóng và tiện lợi – đây được cho là một trong những động lực chính thúc đẩy hành vi tiêu dùng trực tuyến của các khách hàng, đặc biệt là những người trẻ.
4. Quản lý tài chính bền vững
Quản lý tài chính bền vững trong doanh nghiệp là việc đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của tài chính trước những tác động từ thị trường thông qua việc áp dụng các chiến lược và công cụ để quản lý, tối ưu hóa và bảo vệ tài sản, thu nhập, chi phí và nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, quản lý tài chính bền vững cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải xem xét tác động của các hoạt động kinh doanh của họ đến môi trường, xã hội, kinh tế, và phải đảm bảo rằng các hoạt động này được thực hiện một cách đúng đắn và có trách nhiệm. Bằng cách áp dụng các nguyên tắc quản lý tài chính bền vững, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro và tạo ra giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và xã hội./.