Hiện tại Việt Nam, kể cả trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010, vẫn chưa có các quy định cụ thể, đặc thù về việc giải quyết các tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới. Các tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới, do có liên quan tới các yếu tố nước ngoài (thường là một bên trong tranh chấp), nên sẽ có quy trình giải quyết phức tạp hơn, vì phải tính đến vấn đề áp dụng luật, nội dung quy định pháp luật khác nhau giữa các quốc gia có liên quan, thậm chí còn liên quan đến các yếu tố chính trị ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Chỉ khi giữa hai quốc gia liên quan đã có những hiệp định tương trợ tư pháp, có thỏa thuận về việc giải quyết các tranh chấp tư giữa thường nhân, công dân hai nước thì việc giải quyết tranh chấp tiêu dùng mới có thể thuận lợi hơn.
Tóm lại, việc tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới được “đối xử” theo quy trình thông thường, giống như giải quyết tranh chấp tiêu dùng trong nước sẽ là không phù hợp. Bên cạnh đó, còn có các vấn đề khác, ví dụ như “chứng cứ điện tử” sẽ được chấp nhận/sử dụng như thế nào trong tranh chấp tiêu dùng “điện tử” xuyên biên giới; làm thế nào để đảm bảo quyết định giải quyết tranh chấp sẽ được tuân thủ và thi hành một cách nghiêm túc; hay việc đảm bảo bí mật thông tin (“confidentiality”), bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cho NTD. Giải pháp trong ngắn và trung hạn cho vấn đề này vẫn là khuyến khích giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải, thương lượng, và xúc tiến việc ký kết các văn hản ghi nhớ, hợp tác giữa cơ quan bảo vệ NTD Việt Nam và cơ quan bảo vệ NTD các nước khác./.