Các nhà phân phối bán lẻ trong nước
Tại Việt Nam, các nhà phân phối bán lẻ trong nước bao gồm các doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước như: Saigon Co.op Mart, Maximart, Nguyễn Kim, Thế giới di động, FPT… Đây là những nhà phân phối có trình độ khá chuyên nghiệp và mạng lưới hệ thống phân phối khá rộng rãi trên nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước. Trong đó các doanh nghiệp nhà nước nhìn chung có tiềm lực về tài chính và lợi thế về cơ sở sản xuất hơn nên đóng vai trò vừa là nhà phân phối, vừa là nhà sản xuất và thu mua hàng hóa để kinh doanh trong hệ thống phân phối của mình. Trong khi đó các doanh nghiệp ngoài nhà nước chủ yếu tập trung vào hoạt động phân phối để tạo nên những hệ thống chuyên doanh phân phối. Hiện tại các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang không ngừng mở rộng quy mô và đã có mặt ở hầu khắp cả nước. Tuy nhiên nếu xét về hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích mà các doanh nghiệp này thiết lập thì mới chỉ bảo phủ được khoảng 30 trên 64 tỉnh, thành phố. Trong đó, hơn 80% các siêu thị, trung tâm thương mại tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Đồng thời, sự chuyển mình của xu hướng bán lẻ trong thời đại mới hay những thay đổi hành vi của người tiêu dùng thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua cũng đã đặt ra nhiều thách thức cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Để giữ vững thị phần, nhiều thương hiệu bán lẻ lớn tiếp tục đa kênh bán hàng để khẳng định vị thế của mình, trong đó Saigon Co.op đã đặt ra chiến lược phát huy vai dẫn đầu thị trường về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh phát triển hàng nhãn riêng để thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với kế hoạch đến năm 2025, Saigon Co.op sẽ mở rộng mạng lưới đạt tối thiểu 2.000 điểm bán, đảm bảo phát triển mạng lưới nhanh, mạnh để phủ kín hệ thống phân phối trên toàn quốc. Theo đó, trong năm 2021 Saigon Co.op đã tăng tốc phát triển đa kênh bán hàng, phủ sóng thương hiệu khắp địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói riêng.
Cụ thể, Saigon Co.op đã đưa vào kinh doanh siêu thị Co.opmart và trung tâm thương mại Thắng Lợi, quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh.
Cũng là một thương hiệu bán lẻ mạnh trên thị trường, Công ty cổ phần Thế giới Di động chính thức ra mắt TopZone - chuỗi bán lẻ ủy quyền cao cấp mới nhất của Apple tại Việt Nam. Tại TopZone, khách hàng yêu mến hệ sinh thái Apple sẽ tìm thấy đầy đủ và đa dạng nhất các sản phẩm như iPhone, iPad, Apple Watch, MacBook và các phụ kiện Apple... với không gian mua sắm đẳng cấp, hiện đại.
Là thành viên của Thế giới Di động, TopZone còn có những lợi thế mà không chuỗi nào khác có được như chính sách bảo hành, đổi trả tại hơn 2.700 điểm bán của Thế giới Di động và Điện máy Xanh. Theo đó, TopZone đặt tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ sản phẩm Apple với kế hoạch mở từ 50 - 60 cửa hàng từ nay đến hết tháng 3/2022…
Các tập đoàn phân phối nước ngoài hoạt động tại Việt Nam
Trong những năm qua, các tập đoàn phân phối nước ngoài đã bắt đầu đổ bộ vào thị trường Việt Nam và nhanh chóng trở thành một chủ thể quan trọng trong quá trình phân phối hàng hóa. Rất nhiều các tập đoàn phân phối bán lẻ của nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam và hoạt động rất hiệu quả như Aeon Mall, Metro Cash & Carry, Big C, Parkson, Central Group, Mumuso, Tokyolife… Các công ty phân phối của nước ngoài với nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, kỹ năng quản lý chuyên nghiệp và kinh nghiệm hoạt động lâu năm, đã xây dựng nên những hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp, văn minh và hiện đại, nổi trội hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong nước. Điển hình là Aeon Mall, được ví là “gã khổng lồ” bán lẻ Nhật Bản, đã thực hiện vào Việt Nam một cách “chậm mà chắc”. Tính đến thời điểm hiện tại, Aeon có hơn 4.000 nhân viên, mở rộng kinh doanh tại 6 tỉnh thành, với 4 mô hình chính: Trung tâm mua sắm và Trung tâm bách hóa tổng hợp & Siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị vừa và nhỏ và sàn thương mại điện tử.
Đặc điểm chung của tất cả các tập đoàn này thường tập trung vào khâu phân phối dựa trên sự ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm từ nhiều nguồn khác nhau mà không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm để phân phối như một số doanh nghiệp trong nước. Sự có mặt của các tập đoàn bán lẻ này tại Việt Nam, một mặt tạo nên sự cạnh tranh gay gắt, làm đa dạng hóa hình thức bán lẻ, phong phú về chủng loại sản phẩm với giá cả cạnh tranh, tạo cơ hội tốt để hình thành một thị trường nội địa hoạt động lành mạnh, phát triển đa dạng và tiếp cận được với trình độ hiện đại của thế giới trong hoạt động bán lẻ hàng hóa. Mặt khác tạo nên sức ép lớp đòi hỏi các nhà bán lẻ trong nước phải không ngừng cải thiện hệ thống bán lẻ của mình để không bị các tập đoàn bán lẻ quốc tế bỏ xa và chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể
Đây là một trong những thành phần quan trọng tham gia vào thị trường bán lẻ của Việt Nam và đã tạo ra việc làm cho khoảng hơn 5 triệu lao động trong cả nước.
Theo báo cáo thống kê sơ bộ được Tổng cục Thống kê công bố, trước khi bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, cả nước ghi nhận có khoảng 5,37 triệu hộ kinh doanh, cao hơn khoảng 9 lần so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Do những hạn chế về quy mô, phạm vi hoạt động của hộ kinh doanh và do không có pháp nhân nên hộ kinh doanh cũng bị hạn chế hơn trong việc vay vốn ngân hàng, hỗ trợ vốn của các hiệp hội ngành nghề. Ngoài ra, hộ kinh doanh cũng không được phát hành thêm chứng khoán để huy động vốn phục vụ kinh doanh. Ngoài ra, do hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân và quy mô hoạt động nhỏ nên khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận với công nghệ của hộ kinh doanh cũng còn hạn chế. Theo VEPR, hiện nay, đa số các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ của Chính phủ đều dành cho khu vực doanh nghiệp.
VEPR cho biết, những năm gần đây, Nhà nước đã và đang ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho nhóm hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, nhưng kết quả không mấy khả quan và không được các hộ kinh doanh đón nhận. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, hộ kinh doanh cũng như các doanh nghiệp khác chịu vô vàn khó khăn bởi vì các làn sóng dịch COVID-19 tấn công nền kinh tế, cũng như chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. (Hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP, 2021)[1]./.
[1] Bảo Đăng, “2021”, Hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP, “Tạpchíthịtrườngtàichínhtiềntệ”.