Vai trò của ngành bán lẻ đối với nền kinh tế và xã hội

Vai trò của ngành bán lẻ đối với nền kinh tế

Thị trường là khâu tất yếu của quá trình tái sản xuất hàng hóa, ở đâu có hàng hóa, ở đó có thị trường. Đối với thị trường bán lẻ cũng vậy. Các doanh nghiệp bán lẻ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành và cả nền kinh tế, là mắt xích cuối cùng trong kênh phân phối, do vậy nó cũng đẩy nhanh tốc độ chu chuyển hàng hoá từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Vai trò của thị trường bán lẻ đối với nền kinh tế được thể hiện trên các mặt sau:

Thứ nhất, thị trường bán lẻ là cầu nối quan trọng giữa sản xuất và tiêu dùng. Thị trường bán lẻ giúp giải quyết tốt sự sự khác biệt giữa sản xuất quy mô lớn và tiêu dùng đa dạng khối lượng nhỏ bằng cách mua hàng hóa của nhiều nhà sản xuất khác nhau, bán lại cho người tiêu dùng tại cùng một thời điểm. Đồng thời giải quyết sự khác biệt và không trùng lặp về không gian và thời gian giữa sản xuất và tiêu dùng. Trong nền kinh tế, có sự khác biệt giữa không gian sản xuất và tiêu dùng do nhiều người sản xuất tại nhiều địa điểm khác nhau, nhiều người tiêu dùng ở nhiều nơi khác nhau. Về mặt thời gian, vì sản xuất thường không xảy ra cùng thời gian với nhu cầu của người tiêu dùng nên buộc phải dự trữ hàng hóa, hơn nữa nhiều hàng hóa sản xuất mang tính thời vụ còn tiêu dùng xảy ra quanh năm hoặc ngược lại, thị trường bán lẻ tạo ra sự phù hợp giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua hoạt động lưu trữ.

Thứ hai, thị trường nói chung là sống còn đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh, mục đích của sản xuất hàng hóa là để bán, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đối với thị trường bán lẻ nói riêng, nó quyết định sự tồn tại của người sản xuất và các nhà bán lẻ. Thị trường cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin cần thiết để tiến hành các hoạt động sản xuất và phân phối về nhu cầu thị trường, thị trường cần cái gì và số lượng bao nhiêu. Từ đó, nhà sản xuất và nhà bán lẻ sẽ cung cấp cho thị trường những hàng hóa mà thị trường cần và các doanh nghiệp sẽ nhận lại được từ thị trường số tiền tương ứng với giá trị hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đã cung cấp. Bởi thế, vai trò của thị trường bán lẻ đối với nhà sản xuất cũng như bán lẻ là cực kỳ quan trọng, thị trường còn là còn sản xuất và còn phân phối, mất thị trường thì mọi hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh sẽ đều ngưng trệ.

Thứ ba, thị trường bán lẻ phá vỡ ranh giới sản xuất tự nhiên, tự cung, tự cấp, tạo thành một thể thống nhất toàn bộ cho nền kinh tế. Nhờ có sản xuất và kinh doanh hàng hóa nói chung và kinh doanh hàng hóa bán lẻ nói riêng mà hàng hóa có thể có mặt trên bất kỳ thị trường nào, ở bất kỳ nơi đâu.

Thứ tư, với thị trường hàng hóa bán lẻ là nơi cuối cùng định ra giá cả, số lượng hàng hóa được giao dịch để phục vụ mục đích tiêu dùng cho xã hội. Do đó, nhà nước có thể căn cứ vào những thông tin mà thị trường bán lẻ cung cấp để điều tiết, kiểm soát và hướng dẫn hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Thứ năm, thị trường hàng hóa bán lẻ phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh mức sống của dân cư trong xã hội. Thị trường bán lẻ được xem như thước đo cho mức tiêu thụ trong xã hội. Dựa vào mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, ta có thể nhìn thấy được tình hình sản xuất kinh doanh và mức đời sống dân cư.

Thứ sáu, thị trường hàng hóa bán lẻ giữ vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình tái sản xuất xã hội. Bởi thị trường bán lẻ đảm bảo một khâu vô cùng quan trọng trong quá trình tái sản xuất là khâu tiêu thụ. Có thể nói, thị trường bán lẻ ngày một củng cố, đóng vai trò là động lực thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển và đem lại những lợi ích to lớn cho người tiêu dùng.

Thứ bảy, thị trường bán lẻ dẫn dắt người sản xuất định hướng vào nhu cầu thị trường, thúc đẩy hình thành và phát triển nhiều phương thức kinh doanh theo nhu cầu của nền kinh tế thị trường, trên cơ sở đó tăng cường thương mại hóa và phát triển thị trường cho các ngành kinh tế và sản phẩm có lợi thế cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

Thứ tám, thị trường hàng hóa bán lẻ là nơi quan trọng để đánh giá, chứng minh tính đúng đắn của những chủ trương kinh tế của đất nước, của các nhà sản xuất kinh doanh.

Như vậy, khi hoạt động bán lẻ phát triển tốt, lành mạnh thì nhờ đó sản xuất tăng, phục vụ được nhu cầu của người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, thị trường bán lẻ cũng thúc đẩy ngành sản xuất phát triển: với vai trò là đầu ra cho sản xuất, ngành bán lẻ, đặc biệt là mảng bán lẻ hàng hóa còn là khâu quan trọng của toàn bộ chuỗi sản xuất nói chung của tất cả các ngành sản xuất. Các doanh nghiệp bán lẻ hoạt động và phát triển trong mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp thương mại, các doanh nghiệp sản xuất, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ hàng hoá dịch vụ trên thị trường. Do đó sự phát triển của ngành bán lẻ cũng đồng thời quyết định một phần không nhỏ hiệu quả, lợi nhuận và sự phát triển của các ngành sản xuất trong nền kinh tế.

Vai trò của ngành bán lẻ đối với xã hội

Bên cạnh việc tạo ra lợi nhuận và góp phần đóng góp cho nền kinh tế nước nhà, thị trường bán lẻ cũng góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề xã hội như: tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, làm giảm các tệ nạn xã hội (do không có việc làm), giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực, đóng góp vào ngân sách Nhà nước và tham gia vào các hoạt đông văn hoá xã hội. (Đề tài nghiên cứu phát triển thị trường bán lẻ tại, 2010)

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, hoạt động bán lẻ đã có những đóng góp quan trọng, ý nghĩa to lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, điển hình trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự tại thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt các chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là phục vụ cung cấp các chuỗi suất ăn cho các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, điểm tiêm chủng, chốt trạm,…; hỗ trợ kịp thời các “túi an sinh” gồm các thực phẩm thiết yếu đến công đoàn viên công đoàn, người lao động bị ảnh hưởng COVID-19 vượt qua khó khăn, đảm bảo lực lượng lao động tiếp tục sản xuất, kinh doanh cùng doanh nghiệp./.

Các tin khác