Lĩnh vực bán hàng đa cấp đã có hơn 60 năm hình thành và phát triển trên thế giới. Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn thăng, trầm, sóng gió, song đến nay, những doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Sự thành công của họ ngoài việc xây dựng và áp dụng triết lý kinh doanh, tuân thủ các quy định của pháp luật thì còn nhờ duy trì được tập quán áp dụng quy tắc đạo đức ứng xử của ngành.
Bán hàng đa cấp tuy mới xuất hiện tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 21, nhưng trước đó đã có sự phát triển khá lâu ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu. Trong lĩnh vực bán hàng đa cấp cũng đã hình thành các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp thành viên. Theo đó, tổ chức xã hội có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực bán hàng đa cấp là Liên đoàn các hiệp hội bán hàng trực tiếp thế giới (WFDSA). WFDSA đã xây dựng và ban hành Bộ quy tắc đạo đức ứng xử trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp (Direct Selling Code of Ethics), đồng thời, khuyến khích các hiệp hội thành viên, các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp trên toàn thế giới áp dụng, thực hiện. Bộ quy tắc đạo đức ứng xử này gồm 3 nhóm quy tắc, trong đó Quy tắc ứng xử nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ưu tiên trình bày và mô tả khá kỹ lưỡng.
Song song với đó, trên cơ sở Bộ quy tắc đạo đức ứng xử do WFDSA ban hành, các hiệp hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp một số quốc gia cũng xây dựng Bộ quy tắc đạo đức ứng xử riêng trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp và điều chỉnh cho phù hợp để áp dụng tại quốc gia đó.
Tại Việt Nam, Hội Doanh nghiệp bán hàng trực tiếp trực thuộc Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đã xây dựng, ban hàng Bộ Quy tắc đạo đức kinh doanh dành cho các cá nhân và tổ chức bán hàng trực tiếp tại Việt Nam nhằm mục đích: 1) Khuyến khích các thông lệ kinh doanh chuẩn mực, 2) thể hiện nỗ lực và quyết tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và 3) thúc đẩy việc tự nguyện tuân thủ. Bộ quy tắc đạo đức kinh doanh do Hội Doanh nghiệp bán hàng trực tiếp – AmCham Việt Nam xây dựng gồm 03 nhóm quy tắc dưới đây:
Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam cũng có tập quán xây dựng và áp dụng quy tắc đạo đức kinh doanh. Các quy tắc này có thể được xây dựng riêng, độc lập hoặc lồng ghép trong Quy tắc hoạt động hoặc Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp như một trong các tài liệu bắt buộc phải có trong bộ hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Trong buổi Tọa đàm trực tuyến ngày 19 tháng 11 năm 2021 do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức, ông Nguyễn Phương Sơn – Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Amway Việt Nam (Amway Việt Nam) cho biết, hiện nay, Amway Việt Nam cũng đang áp dụng một Bộ quy tắc hoạt động bao gồm các quy tắc ứng xử và các quy trình hoạt động. Bộ quy tắc này được phổ biến và gửi lại cho các đối tác kinh doanh khi họ ký hợp đồng hợp tác với Amway Việt Nam. Ngoài ra, Bộ quy tắc hoạt động này cũng được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phê duyệt và công khai trên trang thông tin điện tử của Cục và của Amway Việt Nam. Bộ quy tắc ứng xử này của Amway gồm 44 trang với 02 nội dung chính sau:
- Các quy tắc ứng xử: liên quan đến đạo đức kinh doanh, tuân thủ pháp luật, sự chuyên nghiệp, quyền riêng tư và chính sách bảo mật…
- Các quy trình hoạt động kinh doanh: từ việc ký hợp đồng trở thành đối tác của Amway, chính sách bán hàng, chính sách đổi trả hàng hóa và quy trình chăm sóc khách hàng để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người tiêu dùng…
Có thể nói rằng, song song với các quy định của pháp luật, bộ quy tắc đạo đức ứng xử trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp như một công cụ hỗ trợ, giúp doanh nghiệp, người tham gia bán hàng trực tiếp, người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp luôn ghi nhớ, tuân thủ theo những quy tắc ứng xử thống nhất nhằm hướng đến vì lợi ích của người tiêu dùng, thể hiện tính thượng tôn pháp luật, tính chuyên nghiệp trong ứng xử với người tiêu dùng. Do vậy, tập quán áp dụng bộ quy tắc đạo đức ứng xử trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp nên được duy trì và khuyến khích./.