Theo báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương, năm 2020, do sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, do sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình trạng phản ánh, khiếu nại tới Cục CT&BVNTD phân theo loại hàng hóa, dịch vụ có sự thay đổi đáng kể với sự gia tăng đột biến về số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến lĩnh vực dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; du lịch; nhà hàng…
Theo đó,bên cạnhnhững lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 như hàng không, du lịch đã phát sinh nhiều hơn các khiếu nại từ phía người tiêu dùng; thì một số loại hàng hóa, dịch vụ chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ như đồ điện tử gia dụng, hàng hóa tiêu dùng thường ngày vẫn nhận được phần lớn số lượng khiếu nại của người tiêu dùng như ở các năm trước đó. Thống kê về các khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ tại năm 2020 còn ghi nhận thêm những phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về các mặt hàng mỹ phẩm. Cụ thể, các khiếu nại liên quan đến mỹ phẩm phát sinh giữa người tiêu dùng và các cơ sở bán lẻ đã gia tăng đáng kể vào năm 2020, chiếm khoảng 0.7% trong tổng số các phản ánh, khiếu nại được tiếp nhận.
Hình minh họa: Phân bổ yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của NTD theo loại hàng hóa, dịch vụ chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ
Tính hết cả năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận tổng cộng 1.261 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng có nội dung liên quan tới lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giảm khoảng 12% so với năm 2020, tuy nhiên, so với năm 2019 và 2018, số vụ việc tiếp nhận trong năm 2021 vẫn tăng lần lượt khoảng 122% và 185%.
Trong bối cảnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị đứt gãy dẫn đến phát sinh tỷ lệ tranh chấp tiêu dùng nhiều hơn. Trong năm 2021, điện tử gia dụng, hàng hóa tiêu dùng thường ngày và một số hàng hóa, dịch vụ khác chiếm gần 75% số lượng đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng. Thêm vào đó, theo báo cáo thường niên vào năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng còn tiếp nhận những phản ánh, khiếu nại và kiến nghị của người tiêu dùng liên quan đến các mặt hàng thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn trong lĩnh vực bán lẻ.
Như vậy, qua số liệu báo cáo thông kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trong giai đoạn 2019-2021, có thể thấy thấy rằng số lượng phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ đã suy giảm đáng kể trong các nhóm hàng hóa chủ yếu như: điện tử gia dụng và hàng hóa tiêu dùng thường ngày. Tuy nhiên, những khiếu nại, phản ánh này có xu hướng mở rộng sang nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ khác liên quan đến các nội dung như: mỹ phẩm; thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn,… qua mỗi năm./.