Trong giai đoạn 2020-2021, đại dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế chung trên toàn cầu.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vừa là thách thức, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội để những doanh nghiệp bắt kịp được hướng đi mới, thích ứng với hoàn cảnh thực tế vẫn có thể tiếp tục phát triển và gặt hái thành công. Lĩnh vực bán hàng trực tiếp với sản phẩm chủ đạo là thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp tại nhà cũng như tăng cường phương thức tương tác với người tiêu dùng thông qua các phương tiện điện tử đã đạt được những kỷ lục về doanh thu trong năm 2020.
Năm 2020, cuộc khủng hoảng về sức khỏe do đại dịch Covid-19 gây ra và những yêu cầu về hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh lại tạo ra cơ hội chưa từng có để hoạt động bán hàng đa cấp vốn dĩ chủ yếu dựa vào phân phối thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp có bước tăng trưởng đột phá.
Doanh thu bán hàng trực tiếp toàn cầu năm 2020 tăng 2,3% so với năm 2019.
Theo số liệu của Liên đoàn các hiệp hội bán hàng trực tiếp thế giới (WFDSA), năm 2020, châu Á-Thái Bình Dương – khu vực có doanh thu bán hàng trực tiếp lớn nhất trên thế giới cũng đạt được tăng trưởng doanh thu 3,5% (chưa tính doanh thu bán hàng trực tiếp của Trung Quốc) so với năm 2019. Tuy nhiên, do sự sụt giảm 20% doanh thu bán hàng trực tiếp của Trung Quốc đã kéo theo mức giảm 3,6% doanh thu của toàn khu vực.
Hoa Kỳ - quốc gia có ngành bán hàng trực tiếp phát triển nhất thế giới đã ghi nhận sự tăng trưởng kỷ lục về doanh thu bán hàng trực tiếp trong năm 2020 với mức tăng 13,9%, cao nhất trong vòng cả chục năm trở lại đây.
Tại Việt Nam, doanh thu bán hàng đa cấp toàn thị trường năm 2020 vẫn tiếp nối xu hướng tăng trưởng của cả giai đoạn, ghi nhận mức tăng doanh thu 22,8%, cao hơn mức bình quân 19,2%/năm trong giai đoạn 2016-2020. So sánh với mức tăng trưởng 2,6% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước năm 2020 (đã loại trừ yếu tố giảm giá) – mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, thì mức tăng trưởng doanh thu bán hàng đa cấp cao hơn gần 10 lần.
Báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp lớn có niêm yết công khai trên các sàn chứng khoán tại Hoa Kỳ cũng ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp này ở nhiều thị trường, khu vực trên toàn cầu. Điển hình, doanh thu ròng cả năm 2020 của Tập đoàn Herbalife Nutrition (mã cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán New York là: HLF) đạt 5,54[1] tỷ đô la Mỹ, tăng 13,6% so với năm 2019 là kết quả doanh thu ròng hàng năm lớn nhất trong lịch sử phát triển của tập đoàn này. Các kỷ lục doanh số bán hàng năm 2020 của Herbalife được thiết lập tại ba trong số sáu khu vực trên toàn cầu mà Herbalife đang hoạt động, gồm: (1) Châu Á-Thái Bình Dương; (2) Châu Âu, Trung Đông và châu Phi và (3) Bắc Mỹ.
Ngoài ra, Nu Skin Enterprises Inc. (mã cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán New York là: NUS), doanh nghiệp bán hàng đa cấp chủ yếu bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, bao gồm cả các thiết bị tự chăm sóc da tại nhà cũng đã báo cáo doanh thu năm 2020 là 2,58 tỷ đô la Mỹ[2], tăng 7% so với năm trước. Amway cũng có doanh thu bán hàng trực tiếp năm 2020 đạt 8,5 tỷ đô la Mỹ[3], tăng 2% so với năm 2019, trong đó, doanh thu của Amway tại thị trường Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng kỷ lục 10%.
Cơ hội để doanh thu hoạt động bán hàng đa cấp tăng trưởng trong năm 2020 là do:
Kể từ khi xuất hiện phương thức kinh doanh đa cấp đến nay, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm vẫn là hai nhóm ngành hàng chiếm ưu thế trong cơ cấu sản phẩm được kinh doanh đa cấp ở trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng nói chung của người dân đã có sự thay đổi, theo đó, giảm bớt chi tiêu vào những sản phẩm xa xỉ hay các dịch vụ du lịch, giải trí, thay vào đó, tăng cường nhu cầu đối với các sản phẩm thiết yếu, thuốc men, thực phẩm cung cấp dinh dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Do vậy, cơ cấu sản phẩm kinh doanh đa cấp trong năm 2020 một lần nữa phản ánh đậm nét hơn vị trí ưu thế của phân khúc thực phẩm chức năng, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Bên cạnh đó, nhóm mặt hàng thiết bị, đồ gia dụng cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng trong năm 2020 khi nhiều người dành phần lớn thời gian của mình ở nhà trong bối cảnh bị phong tỏa, giãn cách xã hội.
Thực phẩm chức năng: doanh thu toàn cầu năm 2020 đạt 64,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 2% so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 36,2%.
Mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da và đồ dùng cá nhân: doanh thu toàn cầu năm 2020 đạt gần 47 tỷ đô la Mỹ, giảm nhẹ (1%) so với năm 2019.
Thiết bị, đồ gia dụng: doanh thu toàn cầu năm 2020 đạt 25,8 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 26% so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 14,4%.
Tại Việt Nam, thực phẩm chức năng là ngành hàng có doanh thu bán hàng đa cấp cao nhất, đạt mức 13.133 tỷ đồng, chiếm tới 85,1% tỷ trọng tổng doanh thu toàn thị trường. Năm 2020, mức tăng trưởng 29% của các mặt hàng thực phẩm chức năng là đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng doanh thu của toàn ngành, bù lại cho những mặt hàng có doanh thu bán hàng giảm như mỹ phẩm (giảm 14%), quần áo, đồ dùng thời trang (giảm 98,5%). Tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu bán hàng đa cấp tại Việt Nam, nhưng doanh số bán đồ gia dụng cũng theo xu hướng chung của thế giới có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020, với mức tăng 198% so với năm 2019.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã kịp điều chỉnh cơ cấu sản phẩm kinh doanh của mình, nhanh chóng xây dựng các chiến lược nghiên cứu, phát triển sản phẩm dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu của xã hội và người tiêu dùng. Điển hình, Amway – một doanh nghiệp kinh doanh nhiều loại sản phẩm cho biết dinh dưỡng là một phân khúc tăng trưởng chính của Amway trong năm 2020, trong đó, vitamin và các thực phẩm bổ sung dưới nhãn hiệu Nutrilite chiếm tới trên 50% tổng số sản phẩm bán ra của doanh nghiệp này.
Trong đại dịch Covid-19, hàng loạt siêu thị, cửa hàng truyền thống (ngoại tuyến) phải đóng cửa để đảm bảo giãn cách xã hội, tránh sự lây lan của dịch bệnh. Điều kiện này đã tạo ra cơ hội để bán hàng đa cấp mang lại trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng kết hợp với việc tư vấn, giải thích kỹ lưỡng về sản phẩm và vận chuyển, giao hàng đến khách hàng mà không cần phải tương tác trực tiếp.
Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số cùng sự tham gia ngày càng nhiều của những người trẻ vào mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, hình thức tiếp thị, bán hàng trong ngành công nghiệp bán hàng đa cấp đang có sự chuyển biến theo hướng giảm tương tác trực tiếp và tăng cường giao tiếp qua môi trường mạng.
Cụ thể, những tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), tin nhắn tự động (chatbot) và trả lời thoại tự động (callbot) hiện đang cung cấp trải nghiệm người dùng tốt nhất trong ngành bán hàng đa cấp. Các công nghệ này cũng giúp thu thập dữ liệu điều tra trước đó của khách hàng và cung cấp đầu vào để phân tích dự đoán về nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó, các công cụ khác như thanh toán trực tuyến, dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa cũng hỗ trợ rất hiệu quả cho hoạt động bán hàng mà không cần phải tương tác trực tiếp, đồng thời, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, vận chuyển dễ dàng. Ngoài ra, các phương tiện tiếp thị, truyền thông xã hội cũng giúp mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và tạo cơ hội bán hang cho những người tham gia bán hàng đa cấp. Thay vì kết nối xã hội ngoài đời thực, có thể dễ dàng mở rộng kinh doanh và kết nối với khách hàng thông qua việc chia sẻ tài liệu quảng cáo điện tử, nội dung kinh doanh, blog sản phẩm và các bài báo, v.v.
[1] Nguồn: Statista
[2] Nguồn: Statista
[3] Nguồn: Statista