Bất cập khi mua, bán, tiêu dùng thực phẩm chức năng
Trong những năm gần đây, “thực phẩm chức năng” đã trở thành một cụm từ khá thông dụng trong đời sống thường nhật. Và trên thực tế, những sản phẩm này đã đem lại không ít lợi ích cho người tiêu dùng trong việc dự phòng và hỗ trợ trị liệu bệnh tật. Tuy nhiên, điều đáng nói là, nhận thức về thực phẩm chức năng, việc cấp phép, đăng ký, sản xuất và quản lý chất lượng cũng bộc lộ khá nhiều điều bất cập khiến dư luận xã hội hết sức lo lắng. Cụ thể là:
- Trong số hơn 3000 loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc ngoại nhập hoặc sản xuất nội địa, khó có thể kể hết những sản phẩm mà công dụng của nó đã bị thổi phồng một cách quá đáng không đúng với hồ sơ đăng ký, “quảng cáo một đằng, đăng ký một nẻo”, thậm chí nhiều loại được quảng cáo như một thứ “thần dược” có khả năng khiến cho “bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ”. Trong khi đó, giá bán không ít sản phẩm lại quá cao thông qua cơ chế bán hàng kiểu đa cấp. Điều này hết sức nguy hại, bởi lẽ nó khiến cho không ít người tiêu dùng do trình độ nhận thức có hạn đã tự ý từ bỏ thuốc đặc trị đang dùng để chỉ sử dụng thực phẩm chức năng một cách đơn thuần khiến cho bệnh tình trở nên nặng hơn, thậm chí gây ra những tai biến không đáng có. Còn tình trạng “khóc dở mếu dở”, “tiền mất tật mang” cũng trở nên khá phổ biến.
- Như chúng ta đã biết, thực phẩm chức năng là loại thực phẩm không chỉ cung cấp những chất dinh dưỡng cơ bản mà còn chứa một số thành phần khác có tác dụng hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể, tạo ra tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Loại thực phẩm chức năng được kể đến đầu tiên là những thực phẩm mà khi ở dạng tự nhiên đã có những hoạt chất có lợi với hàm lượng lớn. Tiếp đó là nhóm thực phẩm có ít hoạt chất hơn, phải bổ sung hoặc tinh chế cô đặc lại ở dạng dễ sử dụng, hay gây biến đổi gene để làm tăng hàm lượng những chất có lợi. Có thể dễ dàng nhận biết những thực phẩm chức năng ở dạng tự nhiên được sử dụng hằng ngày. Nhưng với những thực phẩm có bổ sung và biến đổi, người tiêu dùng phải biết cách đọc nhãn bao bì thực phẩm (với điều kiện chúng phải qua kiểm duyệt một cách nghiêm túc và được sản xuất bởi những công ty có uy tín). Trên thực tế, không ít loại thực phẩm chức năng đã không ghi rõ và đầy đủ những thông tin xác nhận có lợi cho sức khỏe và những thông tin xác nhận có lợi cho cấu trúc/chức năng. Mặt khác, cũng có một số kiểu “luồn lách”, ví dụ như các thực phẩm chức năng gắn tên “thực phẩm chữa bệnh” (medical foods) để tránh được quy định của cơ quan kiểm duyệt, hoặc có trường hợp nhà sản xuất bổ sung thêm một số chất có lợi cho sức khỏe vào các sản phẩm giàu chất béo, cholesterol, đường... để bán ở dạng thực phẩm chức năng. Bởi vậy, người tiêu dùng nhiều khi không hề hay biết tính xác thực và mức độ tin cậy của sản phẩm. Ở Mỹ, Hội đồng Khoa học và Sức khỏe đã tiến hành phân loại các thực phẩm chức năng thành từng nhóm như: nhóm có bằng chứng đáng tin cậy, nhóm có bằng chứng đủ độ tin cậy, nhóm có bằng chứng ở mức vừa phải, nhóm có bằng chứng chưa đủ tin cậy cần nghiên cứu thêm và nhóm còn tranh cãi nhiều để người sử dụng tìm hiểu và lựa chọn. Ở ta, điều này chưa được thực hiện, các thực phẩm chức năng đang trong tình trạng “trăm hoa đua nở” mà không biết hoa nào thật, hoa nào giả và giả thật ở mức độ nào.
- Hiện nay, có một tình trạng là, vì con đường để sản phẩm được đăng ký công nhận là một loại thuốc chữa bệnh quá công phu, vất vả, khó khăn và tốn kém, không ít công ty đông dược đã tung ra thị trường những sản phẩm dưới danh nghĩa “thực phẩm chức năng” nhưng kỳ thực lại là thuốc trị bệnh đích thực. Bởi lẽ, trong thành phần của các sản phẩm này hoàn toàn chỉ gồm các vị thuốc đông y có tác dụng chữa bệnh (thuốc bệnh) chứ không hề có vị thuốc nào có tác dụng bổ dưỡng và nâng cao sức đề kháng (thuốc bổ), thậm chí còn có mặt cả những vị thuốc mà các thầy thuốc đông y khi sử dụng cũng phải rất thận trọng như đại hoàng, phan tả diệp, phụ tử...Một số trà giảm béo là những ví dụ điển hình, trên thực tế, người ta cố ý dùng chữ “trà” hay “nước tăng lực”...để sản phẩm qua mắt được các nhà kiểm duyệt (nếu như không có kiến thức đầy đủ về y dược học cổ truyền) để được xếp vào nhóm “thực phẩm chức năng”. Trong y học cổ truyền, các vị thuốc này cũng không bao giờ được xếp vào nhóm các loại vừa có thể làm thực phẩm vừa có thể làm thuốc và đương nhiên, khi sử dụng nhất thiết phải được thầy thuốc chuyên khoa khám bệnh, kê đơn với chỉ định, liều lượng, liệu trình và cách dùng hết sức chặt chẽ. Điều này hết sức nguy hiểm nếu như những sản phẩm này, theo quy định chung với thực phẩm chức năng, khi dùng chỉ cần theo “hướng dẫn cách sử dụng” của nhà sản xuất mà không cần thầy thuốc chuyên khoa khám bệnh và chỉ định, nhất là khi những sản phẩm này lại được quảng cáo là có thể sử dụng lâu dài, cho mọi đối tượng mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả và tính an toàn. Theo quan điểm của dinh dưỡng học cổ truyền cũng như y học cổ truyền, “dược thực đồng nguyên” (dược phẩm và thực phẩm có chung một nguồn gốc), “thái quá thì bất cập” và “vật cực tắc phản”, vậy nên việc dùng thuốc hay thực phẩm cũng phải có chỉ định, liều lượng và liệu trình cụ thể và phải tuân thủ nguyên tắc “tam nhân chế nghi”, nghĩa là phải tùy người mà dùng (nhân nhân chế nghi), tùy lúc mà dùng (nhân thời chế nghi) và tùy nơi mà dùng (nhân địa chế nghi).
Mười câu hỏi cần đặt ra trước khi quyết định mua thực phẩm chức năng
Theo tư vấn của nhiều chuyên gia, trước khi quyết định chọn mua và sử dụng loại thực phẩm chức năng nào, người tiêu dùng nên đặt ra mười câu hỏi:
(1) Thành phần mang lại hiệu quả chức năng của sản phẩm là gì;
(2) Thành phần của sản phẩm có sẵn tự nhiên trong thực phẩm hay do bổ sung vào;
(3) Hiệu quả của sản phẩm ra sao, có nghiên cứu nào xác nhận lợi ích này không;
(4) Nhà sản xuất có phải là một công ty có tiếng tăm tốt, đáng tin cậy không;
(5) Trên nhãn có ghi hàm lượng các thành phần trong thực phẩm là bao nhiêu không;
(6) Thành phần bổ sung vào thực phẩm thế nào, có những thực phẩm nào ảnh hưởng đến sự hấp thu thành phần chức năng này không;
(7) Thành phần chức năng bổ sung vào thực phẩm dưới dạng sinh học nào, có ở dưới dạng dễ hấp thu hay dễ chuyển hóa không;
(8) Đặc điểm dinh dưỡng của thực phẩm chức năng có phù hợp với mục tiêu sức khỏe mà người sử dụng mong muốn không;
(9) So sánh giá cả của thực phẩm chức năng với thực phẩm thông thường, giá có tương xứng với thành phần chức năng mang lại lợi ích cho người sử dụng không;
(10) cách thức chế biến thực phẩm (nóng, lạnh) hay cách bảo quản có ảnh hưởng đến hiệu quả chức năng của thực phẩm không?
Sau khi trả lời ít nhất mười câu hỏi trên mà người tiêu dùng xác định được các thành phần của thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe; nhận biết được đầy đủ thông tin về tính năng, công dụng, thành phần, giá cả, đặc điểm dinh dưỡng, cách thức sử dụng… phù hợp với nhu cầu của bản thân và gia đình, người thân thì mới nên quyết định mua./.
Nguồn tham khảo: http://benhvien108.vn/