Quảng cáo có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong việc mang lại cơ hội cho thương nhân. Đồng thời song hành với nó là sự cạnh tranh cơ hội thương mại với thương nhân khác. Hiện nay, quảng cáo đã bị lợi dụng để trở thành phương tiện để hạ thấp giá trị, sự uy tín của thương nhân nhằm mục đích sinh lời và ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh. Khách hàng mua hàng dựa trên những thông tin sai lệch là những người phải chịu thiệt hại đầu tiên, các đối thủ cạnh tranh cũng mất đi một lượng khách hàng đáng kể. Các thông tin sai sự thật làm cho thị trưởng trở nên hỗn loạn, không minh bạch, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Quảng cáo sai sự thật dù có hay không có lỗi của nhà quảng cáo thì cũng cần nghiêm cấm, bởi nó là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác và người tiêu dùng.
Quy định cấm đối với hành vi quảng cáo sai sự thật
Để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, pháp luật đã quy định cấm đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, cụ thể:
Khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 quy định “Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ” là một trong các quảng cáo thương mại bị cấm.
Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 cũng đã nêu một trong các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo gồm “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.
Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 quy định một trong các hành vi mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị cấm thực hiện đối với người tiêu dùng đó là:
“Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:
Quảng cáo “thổi phồng” hại người, hại mình
Việc doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, không đúng chất lượng của sản phẩm chỉ thu được cái lợi trước mắt, còn về lâu dài thì người tiêu dùng sẽ mất lòng tin đối với chính tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ đó.
Điển hình là lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng. Phần lớn số vụ vi phạm bị xử lý trong lĩnh vực này là do quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, khiến người tiêu dùng tin tưởng quá mức vào những lời đồn thổi, coi thực phẩm chức năng như thần dược, có thể trị bách bệnh, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người sử dụng.
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc nhưng có tác dụng chống lão hóa, tăng cường đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật, hỗ trợ điều trị bệnh. Bổ sung đúng cách có tác dụng cung cấp các chất còn thiếu để chế độ dinh dưỡng trở nên đầy đủ và cân bằng là rất cần thiết.
Tuy nhiên, tất cả quảng cáo thực phẩm chức năng chữa khỏi bệnh đều là sai. Thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ điều trị, tăng cường sức khỏe và dự phòng bệnh tật. Việc quảng cáo thổi phồng tác dụng là rất nguy hiểm, không chỉ làm người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng.
Quảng cáo thổi phồng, nói quá về tính năng, công dụng của thực phẩm chức năng có thể bước đầu giúp doanh nghiệp đẩy nhanh doanh số bán hàng, nhưng về lâu dài, sẽ làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng.
Đúng như vậy, khi người dân tin vào các tác dụng còn hơn cả thuốc chữa bệnh hay có thể chữa được “bách bệnh” của thực phẩm chức năng, dẫn đến tình trạng người bệnh thay vì sử dụng thuốc điều trị, phải thực hiện phẫu thuật thì lại chỉ dùng thực phẩm chức năng vì tin những công dụng đã được quảng cáo, khiến cho bệnh không khỏi mà càng nặng thêm, đến khi quay lại điều trị thì đã quá muộn hoặc điều trị không còn hiệu quả. Hậu quả, là tiền mất tật mang, từ đó người tiêu dùng sẽ mất lòng tin và tẩy chay các loại thực phẩm chức năng, trong đó có cả thực phẩm chức năng tốt. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp và các nhà sản xuất. Đây chẳng phải là doanh nghiệp vì lợi nhuận mà tự hại người, hại mình.
Mặc dù luật pháp Việt Nam đã quy định rất rõ tất cả các quảng cáo về thực phẩm chức năng trước khi phát hành phải được thẩm định về nội dung để xác định tính thật giả của nội dung quảng cáo và các chỉ được phát hành quảng cáo đúng các nội dung đã được thẩm định. Tuy nhiên, có thể thấy rõ ràng một thực tế có rất nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, muốn bán được nhiều sản phẩm, đã cố tình sai phạm quảng cáo một cách tràn lan và bỏ qua các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nguyên nhân gây nên tình trạng quảng cáo hỗn loạn loạn như hiện nay cũng không thể bỏ qua vai trò của các cơ quan phát hành quảng cáo. Thực tế cho thấy, rất nhiều nhà in, nhà báo và đặc biệt là các trang mạng xã hội sẵn sàng quảng cáo cho các sản phẩm không đúng nội dung, không cần giấy phép hoặc thực hiện các quảng cáo chưa được cơ quan chức năng thẩm định gây nên tình trạng thổi phồng tác dụng và thần thánh hóa công dụng của thực phẩm chức năng.
Trước tình trạng này, cần phải có sự vào cuộc nghiêm túc của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, về hoạt động quảng cáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, quảng cáo của doanh nghiệp, trường hợp phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm minh mới có thể giúp ngăn ngừa và giảm bớt tình trạng quảng cáo “thổi phồng” về sản phẩm.
Nguồn tham khảo: https://suckhoecong.vn