Những thách thức sẽ đi cùng với những cơ hội mới giúp cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường. Để có thể làm được điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ phải có một cái nhìn mới về những xu hướng định hình thị trường trong tương lai, mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp cũng như năng lực hiện tại của chính mình để có thể xây dựng một lộ trình chiến lược phù hợp. Khảo sát của Vietnam Report đánh giá về mức độ ảnh hưởng trên thang điểm 5 đến định hướng chiến lược của doanh nghiệp bán lẻ trong thời kỳ bình thường tiếp theo chỉ ra khi bối cảnh kinh tế thế giới nhìn chung còn nhiều bất ổn thì những nhân tố bên trong doanh nghiệp đang mang tính quyết định.
Mức độ ảnh hưởng trên thang điểm 5 của một số yếu tố đến định hướng chiến lược của doanh nghiệp bán lẻ trong thời kỳ bình thường tiếp theo[1]
Trước hết phải nhận định rằng đây chính là thời điểm để doanh nghiệp đưa ra những sự thay đổi, sự dịch chuyển toàn diện chứ không phải để đối phó kiểu “ăn xổi ở thì”. Các doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn vào việc đào tạo lại kỹ năng cho đội ngũ nhân sự để nâng cao năng lực nội tại của tổ chức. Theo các chuyên gia tham gia trả lời phỏng vấn của Vietnam Report, mọi bộ phận nhân sự trong doanh nghiệp bán lẻ cần phải thay đổi và đào tạo lại kỹ năng.
Một vài ý kiến đáng chú ý ghi nhận từ phỏng vấn chuyên gia có thể kể đến là các doanh nghiệp bán lẻ cần gia tăng tham vọng lên gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp bốn lần trước đây về quy mô và tốc độ của chuyển đổi số trong chính doanh nghiệp của mình từ phân tích đến cải thiện năng suất hay trong trải nghiệm các kênh số hóa. Điều này là rất cấp thiết bởi việc ứng dụng công nghệ số trong các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam hiện nay còn khá chậm chạp, mới tập trung vào ứng dụng Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), mức độ ứng dụng các công nghệ khác còn khá mờ nhạt trong khi mua sắm hàng hoá trên thế giới đã có thể tiến hành toàn bộ trên không gian ảo như Metaverse, hay trải nghiệm mua sắm thực tế ảo song hành “phygital”.
Gần 80% doanh nghiệp bán lẻ cho rằng cần phải đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục. Ngoài ra những kế hoạch liên quan đến số hóa, mở rộng thị trường hoặc phát triển mô hình bán lẻ mới cũng nằm trong top 5 chiến lược trọng tâm của các doanh nghiệp trong thời kỳ bình thường tiếp theo.
Chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp bán lẻ trong thời kỳ bình thường tiếp theo[2]
Đánh giá sơ bộ về một số mô hình bán lẻ hiện nay, khảo sát của Vietnam Report cho thấy mô hình Phát triển siêu thị, cửa hàng thành điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số đang tiếp tục đi lên với tỷ lệ doanh nghiệp đang triển khai quy mô lớn tăng lên 21,5% so với cách đây một năm. Trong khi đó, các mô hình như Cửa hàng trong cửa hàng (shop-in-shop), Cửa hàng đa thương hiệu (Multi-brand store) và Bán lẻ lưu động dường như đang thoái trào khi tỷ lệ doanh nghiệp triển khai có xu hướng giảm từ 40,0% xuống còn 30,8%. Hệ thống siêu thị cao cấp áp dụng công nghệ E-label điều chỉnh tự động, có quầy tính tiền cho khách tự thanh toán hiện đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới cũng được doanh nghiệp trong nước quan tâm, đầu tư nghiên cứu và đang trong giai đoạn lên ý tưởng. Đáng lưu ý nhất, nằm trong xu thế hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, khảo sát của Vietnam Report cho thấy hơn 2/3 số doanh nghiệp trong ngành đã và đang áp dụng sáng kiến bền vững về môi trường trong ngành bán lẻ (tăng cung cấp các sản phẩm được làm bằng vật liệu tái chế, thay đổi cách đóng gói chọn loại bao bì thân thiện với môi trường hơn …) với quy mô lớn, tăng gần gấp đôi tỷ lệ của năm trước.
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã thiết lập lại cuộc chơi ngành bán lẻ. Các nhà bán lẻ thành công nhất sẽ là những nhà bán lẻ kết nối với người tiêu dùng theo những phương thức mới bằng cách dựa vào công nghệ kỹ thuật số, đa kênh và tại cửa hàng của mình./.
[1] Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2022
[2] Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2022