Một trong những nội dung người tiêu dùng quan tâm nhất khi thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa tại cơ sở bán lẻ là giá cả. Theo quy định của pháp luật, hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại đều phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, thiết lập trật tự trong hoạt động mua bán, thể hiện nét văn minh thương mại; là biện pháp hạn chế việc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình biến động bất thường về cung cầu, giá cả thị trường để tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm bất ổn thị trường và là công cụ để cơ quan nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý giá, góp phần ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Khoản 2 Điều 12 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (sửa đổi năm 2018), tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng có trách nhiệm niêm yết công khai giá hàng hoá, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ.
Điều 18, Luật giá năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2020) quy định cơ sở bán lẻ có quyền sau đây:
- Tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá;
- Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu;
- Đấu thầu, đấu giá, thoả thuận giá, hiệp thương giá và cạnh tranh về giá dưới các hình thức khác theo quy định của pháp luật khi mua, bán hàng hoá, dịch vụ;
- Áp dụng nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá do Nhà nước quy định để định giá hàng hóa, dịch vụ;
- Điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá;
- Hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu, đồng thời phải niêm yết công khai tại nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá đối với các trường hợp sau:
a) Hàng tươi sống;
b) Hàng hóa tồn kho;
c) Hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ;
d) Hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại theo quy định của pháp luật;
đ) Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể; thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh;
e) Hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước.
- Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá;
- Tiếp cận thông tin về chính sách giá của Nhà nước; các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước và các thông tin công khai khác;
- Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giá; yêu cầu tổ chức, cá nhân bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật;
Bên cạnh đó, cơ sở bán lẻ phải thực hiện các nghĩa vụ được quy định tại Điều 12, bao gồm:
- Lập phương án giá hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
- Chấp hành quyết định về giá, biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Đăng ký giá bán hoặc giá mua đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký giá và chịu trách nhiệm về tính chính xác của mức giá đã đăng ký theo quy định của pháp luật.
- Kê khai giá bán hoặc giá mua hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của mức giá đã kê khai đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá theo quy định của Chính phủ.
- Niêm yết giá:
a) Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết;
b) Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.
- Công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình theo quy định của Luật này.
- Cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ số liệu, tài liệu có liên quan theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp Nhà nước định giá, áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
- Giải quyết kịp thời mọi khiếu nại về giá hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh. Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.
Điều 18, Nghị định 177/2013/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá (sửa đổi bởi Nghị định 149/2016/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá) quy định hoạt động niêm yết giá được thực hiện theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết. Đồng tiền niêm yết giá là Đồng Việt Nam trừ trường hợp pháp luật có quy định riêng. Giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó.
Theo quy định tại Điều 13 Luật giá năm 2012, người tiêu dùng có quyền sau đây: Lựa chọn, thỏa thuận và góp ý về giá khi mua hàng hóa, dịch vụ; Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về giá, chất lượng, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ; Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ đã mua không đúng tiêu chuẩn chất lượng, số lượng, giá hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, cam kết; Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, theo Điều 14, người tiêu dùng có nghĩa vụ thanh toán theo mức giá thỏa thuận, mức giá đã lựa chọn hoặc mức giá do Nhà nước quy định khi mua hàng hóa, dịch vụ; thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giá.
Các hành vi vi phạm về giá cả hàng hóa, sản phẩm bày bán tại cơ sở bán lẻ được quy định tại Chương 2 Nghị định 109/2013/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa Điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau: Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá…./.