Yêu cầu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ

Bán lẻ (retail) là một hoạt động thương mại quan trọng trên thị trường, nhằm cung cấp hàng hóa đến cho người tiêu dùng thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau. Bán lẻ được phân biệt với bán buôn (wholesaling) thông qua đối tượng khách hàng được cung cấp hàng hóa, dịch vụ: Khách hàng của ngành bán lẻ thường đa dạng hơn, là các tổ chức, cá nhân mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ với mục đích tiêu dùng cho chính họ, chứ không phải để phân phối lại hay bán lại cho người khác sử dụng.

Thuật ngữ “nhà bán lẻ” (retailer) thường được sử dụng để chỉ những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xử lý hàng loạt các đơn hàng nhỏ của một số lượng lớn các khách hàng cá nhân, là người dùng cuối, thay vì đơn đặt hàng lớn của một số lượng nhỏ khách hàng bán buôn, doanh nghiệp hoặc chính phủ. Các nhà bán lẻ thường không tự sản xuất sản phẩm mà mình bán, mà mua hàng hóa này từ nhà sản xuất hay nhà bán buôn, và bán lẻ lại cho người tiêu dùng với số lượng nhỏ.

Trên thế giới, các doanh nghiệp bán lẻ được tổ chức dưới nhiều hình thức và qui mô khác nhau, từ các cửa hàng nhỏ lẻ đến những đại siêu thị qui mô lớn. Ngành bán lẻ giữ một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, cũng như trong nền kinh tế nói chung.

Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ: Theo Báo cáo “Bán lẻ tại Việt Nam - Sự chuyển dịch nhanh chóng sang bán lẻ đa kênh” (Retail in Vietnam - An accelerated shift towards omnichannel retailing) của Deloitte[1], ngành bán lẻ Việt Nam đã không ngừng phát triển trong nhiều năm qua.

Các nền tảng bán lẻ rất đa dạng, có thể được phân loại gồm các nhóm sau đây:

Thứ nhất là các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng bán lẻ truyền thống: Có khoảng hơn 666.736 nhà bán lẻ truyền thống trên toàn quốc, là một bộ phận quan trọng của ngành bán lẻ, và là nguồn sinh kế của rất nhiều người dân[2];

Thứ hai làcác cửa hàng tiện lợi: Cửa hàng tiện lợi hay cửa hàng tiện ích (convenience store) là một loại hình nhà bán lẻ quy mô nhỏ với sản phẩm là một loạt các mặt hàng hàng ngày như cửa hàng tạp hóa (đồ ăn, bánh kẹo, nước giải khát, sản phẩm ăn liền, thuốc không bán theo toa, đồ vệ sinh cá nhân, bao cao su, thậm chí cả bia và rượu nhẹ, v.v...). Các cửa hàng tiện lợi cũng có thể cung cấp dịch vụ chuyển tiền và chuyển khoản ngân hàng, nạp thẻ điện thoại, máy fax, máy photocopy, v.v…

Cửa hàng tiện lợi là sự bổ sung đáng kể cho các siêu thị, đại siêu thị, và cửa hàng tạp hóa. Giá bán sản phẩm tại cửa hàng tiện lợi thường cao hơn so với cửa hàng tạp hóa hay siêu thị. Đổi lại, cửa hàng tiện lợi thường mở cửa lâu hơn (thậm chí hoạt động cả 24/24). Tại các đô thị lớn, mạng lưới các cửa hàng tiện lợi cũng dễ tiếp cận hơn so với các siêu thị hay đại siêu thị.

Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, số lượng cửa hàng tiện lợi đã gia tăng nhanh chóng từ 565 cửa hàng năm 2014 lên đến 1.289 cửa hàng năm 2019[3]. Các hệ thống cửa hàng tiện lợi có thị phần lớn có thể kể đến là Circle K, Family Mart, B’s Mart, v.v…

Thứ ba là các siêu thị và đại siêu thị: Ước tính năm 2019 ở Việt Nam có 3.450 siêu thị và 343 đại siêu thị[4].

Thứ tư là kênh bán lẻ thương mại điện tử.

Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, ngành bán lẻ trong nước vẫn có sự tăng trưởng đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức bán lẻ hàng hóa năm 2021 đạt gần 3,95 triệu tỷ đồng (tương đương 173,28 tỷ USD), tăng 0,2% so với kết quả bán lẻ hàng hóa của năm 2020. Như vậy, thị trường bán lẻ năm 2021 tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về doanh số khi tăng 1,2 tỷ USD so với năm 2020[5]

Trong giai đoạn hiện nay, những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tuy gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực, nhưng đồng thời cũng trở thành động lực quan trọng để ngành bán lẻ có những sự phát triển mới. Cụ thể:

Xu hướng phát triển thứ nhất của ngành bán lẻ là chuyển đổi số, đa dạng kênh bán hàng, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến bên cạnh tối ưu hóa kênh bán hàng truyền thống. Những doanh nghiệp đã đầu tư và xây dựng nền tảng trực tuyến hiệu quả, tiếp cận linh hoạt với thương mại điện tử sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đa kênh. Thực tiễn chứng minh, những doanh nghiệp, cửa hàng chuyển đổi số sáng tạo, nhanh chóng đã thích ứng và phát triển trong hai năm đại dịch vừa qua.

Xu hướng phát triển thứ hai là chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại được hưởng lợi từ sự chuyển dịch tiêu dùng sau đại dịch. Xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, thay đổi mô hình mua nhanh bán gọn sẽ sớm đi vào thực tiễn trong năm 2022.

Xu hướng phát triển thứ ba là chiến lược bán lẻ đặt khách hàng cá nhân lên hàng đầu. Khi công nghệ đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm bán lẻ hiện đại, giãn cách xã hội và dịch bệnh làm cho khoảng cách của người mua và người bán xa nhau hơn, sức mạnh của sự kết nối giữa con người với nhau sẽ phát huy tác dụng. Các nhà bán lẻ tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng sẽ có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường.

Không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ ở Việt Nam những năm vừa qua. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng vì là ngành có tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng, nên ngành bán lẻ là lĩnh vực có nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, nhiều hành vi xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong những năm vừa qua, tình trạng vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng ở Việt Nam có những diễn biến ngày càng phức tạp, với phạm vi ngày càng rộng, hình thức vi phạm ngày càng đa dạng, tinh vi hơn. Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội.

Vì vậy, trong hoạt động bán lẻ, đòi hỏi phải có những biện pháp quản lí nhà nước phù hợp, cũng như những nỗ lực của doanh nghiệp, của người tiêu dùng, và rộng ra là toàn xã hội, trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong ngành bán lẻ phải được qui định và thực hiện một cách phù hợp với những đặc trưng của ngành bán lẻ, cũng như thích ứng được với những xu hướng phát triển mới của ngành bán lẻ, như bán hàng đa kênh hay thương mại điện tử./.


[1] Deloitte, Retail in Vietnam - An accelerated shift towards omnichannel retailing, 2020

[2] Số liệu của Euromonitor và Deloitte năm 2019

Xem thêm: Deloitte, Retail in Vietnam - An accelerated shift towards omnichannel retailing, 2020

[3] Số liệu của Euromonitor và Deloitte giai đoạn 2014-2019

Xem thêm: Deloitte, Retail in Vietnam - An accelerated shift towards omnichannel retailing, 2020

[4] Số liệu của Euromonitor và Deloitte năm 2019

Xem thêm: Deloitte, Retail in Vietnam - An accelerated shift towards omnichannel retailing, 2020

[5] Thanh Lâm, Bất chấp dịch, bán lẻ vẫn giữ đà tăng trưởng, Báo điện tử Đầu tư Tài chính. https://www.saigondautu.com.vn/kinh-te/bat-chap-dich-ban-le-van-giu-da-tang-truong-101361.html, truy cập ngày 01/05/2022

Các tin khác