Kinh doanh thân thiện môi trường, tiêu dùng bền vững có phải là vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực thương mại điện tử hay không?

Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu, ảnh hưởng, tác động ngày càng nghiêm trọng hơn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống, sinh hoạt của con người và cộng đồng xã hội.

Kinh doanh thân thiện môi trường, tiêu dùng bền vững là giải pháp và xu thế tất yếu để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Là lĩnh vực đầy tiềm năng và phát triển dẫn đầu trong xu hướng của thời đại toàn cầu hóa, thương mại điện tử không thể là lĩnh vực tách rời khỏi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết những vấn đề cấp bách như môi trường, tiêu dùng bền vững.

Ảnh minh họa: Bà Trần Diệu Loan – Phụ trách Ban Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát biểu tại Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử đối với người tiêu dùng do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức ngày 14 tháng 12 năm 2023 và được phát sóng trên kênh VTC14 vào ngày 19 tháng 12 năm 2023, bà Trần Diệu Loan đã chia sẻ khái niệm “tiêu dùng bền vững” được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 của Quốc hội và một số nội dung chính của Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam.

Theo đó, Tiêu dùng bền vững là việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, kinh tế – xã hội.”

Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu với nội dung: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế – xã hội; Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.

Sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường, tiêu dùng bền vững thực chất là quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm xanh được điều chế từ những thành phần thiên nhiên, bao bì có thể tái chế; phân huỷ được trong môi trường tự nhiên hoặc đảm bảo được quá trình sản xuất tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và không gây hại đến hệ sinh thái tự nhiên.  Do đó, sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường, tiêu dùng bền vững sẽ làm giảm các khí nhà kính; giúp giảm lượng lớn rác thải; năng lượng xấu đến môi trường cũng như giảm áp lực cho các hệ sinh thái, và do đó ngăn ngừa ô nhiễm môi trường hoặc biến đổi khí hậu về sau. Đồng thời, giảm thiểu tối đa lượng hóa chất trong sinh hoạt thường ngày gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bằng cách sử dụng những sản phẩm xanh, chúng ta đã và đang chung tay giúp cải thiện môi trường tự nhiên, nâng cấp chất lượng cuộc sống của gia đình và cả thế hệ mai sau.

Ảnh minh họa: Ông Nguyễn Bình Minh – Trưởng ban Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bình Minh – Trưởng ban Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP26 và COP28, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, đặt ra mục tiêu phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu, chẳng hạn như cam kết đến năm 2050 Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng về 0. Đối với thương mại điện tử Việt Nam, chúng tôi đánh giá, giai đoạn 2015 – 2025 là giai đoạn phát triển bùng nổ. Từ năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển bền vững. Tuy nhiên, không phải chờ đến lúc đó chúng ta mới bắt đầu hành động, mà ngay từ bây giờ, chúng ta đã phải có sự chuẩn bị, trước hết là, thay đổi nhận thức của nhà bán, doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử trong việc thúc đẩy kinh doanh thân thiện môi trường, phát triển bền vững. Trong thương mại điện tử, kinh doanh thân thiện môi trường có thể được thể hiện ở việc sử dụng vật liệu đóng gói tái chế, không phát sinh rác thải nhựa hay vận chuyển xanh, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay vì năng lượng hóa thạch.

Ảnh minh họa: Ông Phan Mạnh Hà – Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Shopee phát biểu tại Tọa đàm

Ông Phan Mạnh Hà – Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Shopee cho biết, Shopee luôn mong muốn truyền tải thông điệp sống xanh, sống bền vững, vận hành xanh, vận hành bền vững tới các nhân viên của Shopee cũng như các nhà bán hàng trên sàn Shopee. Chính vì vậy, Shopee đã có những hành động cụ thể như: (i) đối với vận hành các kho hàng, Shopee áp dụng chính sách cắt giảm nguyên vật liệu cũng như năng lượng sử dụng trong quá trình đóng gói sản phẩm, làm sao vừa đảm bảo tiết kiệm, vừa hướng đến phát triển bền vững; (ii) đối với nhân viên khối văn phòng, Shopee có chương trình thu pin đã qua sử dụng, thay các chai, cốc nhựa đựng nước, đồ uống sử dụng một lần bằng chai thủy tinh tái sử dụng nhiều lần nhằm tránh rác thải nhựa ra môi trường; (iii) sử dụng năng lượng tiết kiệm thông minh trong quá trình vận hành khối văn phòng của Shopee.

Hiện nay, chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được Quốc hội quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, theo đó, khoản 7 Điều 7 của Luật quy định chính sách này gồm các hoạt động sau đây:

  • Khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, lưu thông, phân phối, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công nghệ thân thiện môi trường hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao lợi ích của người tiêu dùng;
  • Hỗ trợ tổ chức, cá nhân ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ tiên tiến, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc để sản xuất, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ an toàn, bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
  • Tham gia chủ động và có trách nhiệm vào các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững của khu vực và thế giới.

Ngoài các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xây dựng trong khuôn khổ Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 còn bổ sung thêm một số tiêu chí khác nhằm đánh giá mức độ đảm bảo trách nhiệm thúc đẩy kinh doanh thân thiện môi trường, tiêu dùng bên vững của sàn giao dịch thương mại điện tử, cụ thể:

  • Ban hành và áp dụng quy định về bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp
  • Áp dụng chính sách về kinh doanh thân thiện môi trường trong lựa chọn thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT
  • Tăng tỷ trọng phân phối các sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, hữu cơ hoặc thành phần đơn giản, ít gây hại đến môi trường và sức khỏe con người
  • Tăng tỷ trọng phân phối các sản phẩm tiết kiệm năng lượng trong tiêu dùng
  • Không phân phối các sản phẩm có chứa hóa chất độc hại
  • Kiểm soát quá trình phân phối sản phẩm đảm bảo thân thiện môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người, tiết kiệm năng lượng
  • Thân thiện môi trường trong mua sắm, vận hành, bảo dưỡng trang thiết bị, máy móc,… của doanh nghiệp
  • Đào tạo người lao động về ý thức và thực hành bảo vệ môi trường
  • Thực hiện quy trình xử lý các chất thải phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại
  • Có các biện pháp khuyến khích thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT cung cấp các sản phẩm bao bì, đóng gói thân thiện với môi trường cho người tiêu dùng
  • Có các biện pháp khuyến khích thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT giảm thiểu sử dụng túi nilon, giảm thiểu rác thải nhựa
  • Có các biện pháp khuyến khích thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT cung cấp các tùy chọn sử dụng bao bì, cốc giấy, ống hút thân thiện với môi trường cho người tiêu dùng
  • Tham gia tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người tiêu dùng về tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững
  • Khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững thông qua các chương trình tích điểm thưởng, đổi quà, khuyến mãi…
  • Khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng thu hồi và tái chế rác thải
  • Sử dụng hóa đơn điện tử (e-invoice) thay vì hóa đơn giấy.
  • Khuyến khích đối tác vận chuyển tối ưu hoá lộ trình vận chuyển và sử dụng phương tiện vận chuyển ít phát thải carbon nhất…/.