Bàn về khái niệm thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) áp dụng các công nghệ bao gồm năng lực tính toán và internet để định hình lại cách thức tương tác với các nhà cung cấp và khách hàng. Những công cụ này gần như phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (viết tắt là EU) cũng như phần lớn châu Á và đang lan rộng ở hầu hết mọi nơi. Người tiêu dùng (NTD) và doanh nghiệp đều có quyền truy cập thông tin về sản phẩm, dịch vụ trực tuyến và có thể thực hiện các giao dịch từ xa (1).

Hiện nay, nhiều tổ chức trên thế giới đưa ra khái niệm, định nghĩa về TMĐT, trong đó, định nghĩa của OECD được một số tổ chức khác tham chiếu hoặc chủ yếu dựa vào định nghĩa đó để giải thích chi tiết, cụ thể các đặc trưng của TMĐT.

Hướng dẫn của OECD về đo lường xã hội thông tin định nghĩa “TMĐTlà việc mua hoặc bán hàng hóa, dịch vụ được thực hiện qua mạng máy tính bằng các phương pháp được thiết kế đặc biệt cho mục đích nhận hoặc đặt hàng”, phù hợpvới định nghĩa được OECD đưa ra vào năm 2001 và được sửa đổi năm 2009 (2). Theo đó, liệu một giao dịch thương mại có đủ tiêu chuẩn để được coi là một giao dịch TMĐT hay không được xác định bởi phương thức đặt hàng mà không phải là đặc điểm của sản phẩm được mua, các bên liên quan, phương thức thanh toán hoặc kênh giao hàng.

Trong một số nghiên cứu gần đây, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (viết tắt là UNCTAD) cũng đã dẫn chiếu đến định nghĩa của OECD về TMĐT (3). 

Hướng dẫn của Cơ quan Thống kê châu Âu (viết tắt là Eurostat)đã giải thích cụ thể hơn các cấu phần trong định nghĩa về TMĐT. Theo đó, “giữ chỗ” (booking) và “đặt chỗ” (reservation) được sử dụng cho một số lĩnh vực kinh tế nhất định (chẳng hạn như đặt trước phòng ở) để mô tả một “đơn đặt hàng”. Hướng dẫn này của Eurostat cũng chỉ rõ rằng các đơn hàng được đặt bằng các thông điệp trao đổi dữ liệu điện tử (Electronic data interchange, viết tắt là EDI) về nguyên tắc là đặc trưng của TMĐT B2B, trong khi các tương tác B2C thường ở dạng giao dịch Internet. Hơn nữa, việc bán hàng trực tuyến có thể diễn ra thông qua các gian hàng trực tuyến (trang web, sàn TMĐT), biểu mẫu web trên trang thông tin điện tử (website); extranet hoặc “ứng dụng”, bất kể việc truy cập Internet được thực hiện thông qua phương tiện nào (máy tính, máy tính xách tay, điện thoại di động, v.v.) (4).

Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ (The US Census Bureau) cũng sử dụng một định nghĩa tương tự, tuy nhiên, có bổ sung như sau: TMĐT cũng có thể bao gồm việc bán hàng mà trong đó giá và điều khoản giao dịch được thương lượng qua Internet, thiết bị di động (m-commerce), extranet, mạng EDI, thư điện tử (e-mail) hoặc các hệ thống trực tuyến tương đương khác (5).

Cục Thống kê Canada định nghĩa TMĐT là tất cả các giao dịch bán hàng hóa và dịch vụ, trong đó, đơn đặt hàng và cam kết mua hàng được thực hiện qua Internet, mặc dù việc thanh toán có thể được thực hiện bằng các phương tiện khác. Định nghĩa này bao gồm các đơn đặt hàng được thực hiện qua Internet, extranet hoặc EDI và loại trừ các đơn đặt hàng được thực hiện bằng cuộc gọi điện thoại, fax hoặc e-mail (6).

Tương tự, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (viết tắt là METI) định nghĩa TMĐT theo cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng phù hợp với định nghĩa ban đầu của OECD. Theo nghĩa hẹp, TMĐT bao gồm các giao dịch được thực hiện (tức là các đơn đặt hàng được phát hành) thông qua hệ thống mạng máy tính sử dụng công nghệ Internet và tổng số hợp đồng được thu thập thông qua hệ thống đó. Theo nghĩa rộng, “Internet” được thay thế bằng “hệ thống mạng máy tính” (7).

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), “TMĐT là việc sản xuất, phân phối, buôn bán, cung ứng và giao nhận hàng hóa, dịch vụ qua các mạng điện tử”.[1] (8) Còn theo Viện Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI), “TMĐT là việc mua bán hàng hóa & dịch vụ qua mạng Internet và các mạng điện tử khác, bao gồm nhiều dạng hoạt động thương mại khác nhau”[2] (WTO, 2017).

Luật mẫu về TMĐT năm 1996 của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (viết tắt là UNCITRAL) tuy không trực tiếp đưa ra khái niệm về TMĐT, nhưng đã ghi nhận rằng ngày càng có nhiều giao dịch trong thương mại quốc tế được thực hiện bằng phương tiện trao đổi dữ liệu điện tử và các phương tiện truyền thông khác, thường được gọi là “TMĐT”, liên quan đến việc sử dụng các phương pháp thay thế cho các phương pháp truyền thông và lưu trữ thông tin dựa trên giấy tờ (9).

Luật mẫu về TMĐT của UNCITRAL (1996) cũng đã thiết lập các quy tắc đối xử bình đẳng giữa thông tin điện tử và thông tin trên giấy, cũng như thừa nhận tính hợp pháp của các giao dịch và quy trình điện tử, dựa trên các nguyên tắc cơ bản không phân biệt đối xử chống lại việc sử dụng các phương tiện điện tử, tính tương đương về chức năng và tính trung lập về công nghệ (9).

Tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về TMĐT: “Hoạt động TMĐT là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác” (10).

Tất cả các khái niệm này đều có điểm chung là đưa ra một định nghĩa bao quát về TMĐT, rộng hơn cách hiểu thông thường của NTD về các hoạt động mua bán hàng hoá qua mạng Internet, bao quát cả mảng dịch vụ (ví dụ như vận chuyển hành khách, du lịch, lưu trú, ăn uống, v.v.), và việc sử dụng các mạng viễn thông di động và mạng điện tử khác. TMĐT, hiểu theo cách này, còn bao gồm cả các hoạt động thương mại tiến hành qua/trên các thiết bị đầu cuối qua mạng không dây hay điện thoại di động (“M-commerce” hay “mobile commerce”). Đây là một điểm quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nơi giá cả phù hợp và sự tiện lợi của M-commerce đang vượt xa TMĐT qua các mạng máy tính (sử dụng máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay), được sự hưởng ứng của đông đảo NTD trẻ. Đây không những là một lĩnh vực tiên phong trong TMĐT, mà còn là cội nguồn phát sinh nhiều vấn đề mới liên quan tới bảo vệ NTD, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức bảo vệ NTD phải có cách tiếp cận mới và đưa ra những cải cách quan trọng về cả khung pháp lý lẫn thể chế.

So với các hoạt động thương mại truyền thống, TMĐT có một số điểm khác biệt cơ bản sau:

  • Các bên tiến hành giao dịch trong TMĐT không tiếp xúc trực tiếp với nhau và không đòi hỏi phải biết nhau từ trước;
  • Các giao dịch thương mại truyền thống được thực hiện với sự tồn tại của khái niệm biên giới quốc gia, còn TMĐT được thực hiện trong một thị trường không có biên giới (thị trường thống nhất toàn cầu);
  • Trong hoạt động giao dịch TMĐT đều có sự tham gia của ít nhất 3 chủ thể, trong đó có một bên không thể thiếu được là người cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực.
  • Thông thường các nền tảng có ứng dụng TMĐT gồm: thư điện tử, trang thông tin điện tử (website), mạng xã hội, kênh di động, các ứng dụng cho thiết bị di động, kênh truyền hình./.

Tài liệu tham khảo:

  • Topical. Tổng quan về thương mại điện tử. 2010.
  • OECD. OECD Guide to Measuriing the Information Society. Paris : s.n. 2011.
  • UNCTAD. In Search of Cross-Border E-Commerce Trade Data. United Nations. [Online]. https://unctad.org/en/PublicationsLibrary/tn_unctad_ict4d06_en.pdf. 2016.
  • Eurostat. Methodological Manual for Statistics on the Information Society. [Online]. https://circabc.europa.eu/sd/a/d88ef865-c2a2-4f83-a9d1-671adc8bf477/MM2018_Part_I_Enterprise%20survey.zip. 2017.
  • US Census Bureau. E-commerce statistics (E-STATS). [Online]. https://www.census.gov/programs-surveys/e-stats/about/faqs.html. 2018.
  • Statistics Canada. Retail e-commerce in Canada. [Online]. http://www.statcan.gc.ca/pub/11-621-m/11-621-m2016101-eng.htm. 2016.
  • METI. Results Compiled of the E-Commerce Market Survey. [Online]. https://www.meti.go.jp/english/press/2016/0614_02.html. 2016.
  • WTO. Electronic Commerce. [Online]. https://www.wto.org/english/thewto_e/minist_e/mc11_e/briefing_notes_e/bfecom_e.htm. 2017.
  • UNCITRAL. Model Law on Electronic Commerce with Guide to Enactment 1996 with additional article 5 bis as adopted in 1998. [Online]. https://uncitral.un.org/sites/uncitral.un.org/files/media-documents/uncitral/en/19-04970_ebook.pdf. 1999.

Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam.Nghị định số 52/2013/NĐ-CP quy định về thương mại điện tử. 2013.


[1] <https://www.wto.org/english/thewto_e/minist_e/mc11_e/briefing_notes_e/bfecom_e.htm>

[2] <https://www.adb.org/sites/default/files/publication/185050/adbi-pb2016-2.pdf>