Chất lượng sản phẩm trước khi được đưa vào các hệ thống siêu thị luôn phải đáp ứng một số yêu cầu nghiêm ngặt được quy định trong các điều luật hiện hành. Cụ thể, để có thể đưa được sản phẩm vào siêu thị, các cơ sở sản xuất cần phải đáp ứng một số điều kiện, yêu cầu về giấy tờ thủ tục bao gồm[1]:
- Giấy phép kinh doanh có ngành nghề (Nhằm xác nhận rõ ràng ngành nghề mà doanh nghiệp đang kinh doanh);
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Đặc thù đối với một số ngành nghề yêu cầu được quy định chi tiết thi hành về việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm)[2];
- Kiểm nghiệm sản phẩm về các chỉ tiêu chất lượng được tiến hành tại các cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm được công nhận bởi các cơ quan chính quyền;
- Giấy xác nhận công bố chất lượng sản phẩm;
- Đăng ký mã số mã vạch cho sản phẩm.
Như vậy, rõ ràng là với một số quy định như trên, những sản phẩm khi đưa vào siêu thị sẽ được kiểm nghiệm về chất lượng rõ ràng hơn, có giấy tờ nguồn gốc rõ ràng hơn khi so sánh các đơn vị kinh doanh tại chợ truyền thống.
Tuy nhiên, có nhiều siêu thị vì mục đích lợi nhuận và cạnh tranh không lành mạnh mà buông lỏng, làm ngơ hay cố tình không chú trọng khâu kiểm tra chất lượng, thông tin nguồn hàng hóa nhập vào siêu thị mình. Trong đó, các hành vi vi phạm quy định về chất lượng hàng hóa thường gặp nhất là những vi phạm liên quan đến điều kiện đưa hàng hóa vào kinh doanh và vi phạm liên quan đến hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
– Vi phạm liên quan đến các điều kiện đưa hàng hóa vào kinh doanh tại cơ sở bán lẻ: nhiều hàng hóa nhập khẩu không có sự cấp phép của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc không có hồ sơ công bố chất lượng theo quyết định của Bộ Y tế trước khi đưa vào kinh doanh; hay các mặt hàng không xuất trình được tờ khai hải quan, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu của Bộ Y tế khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra. – Vi phạm liên quan đến hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ: tập trung chủ yếu ở các mặt hàng tiêu dùng thường ngày và thường được tiêu thụ nhiều vào các thời điểm lễ, tết như: rượu, quần áo, giày dép, điện thoại di động, hàng điện tử, mỹ phẩm,…. Ngoài ra, hầu hết những mặt hàng thực phẩm, thuốc chữa bệnh của các hãng sản xuất uy tín, có thương hiệu, được nhiều người ưa chuộng có nguy cơ cao bị làm giả, làm nhái trên thị trường.
[1] (Khoản 1, Điều 7, Quyết định 371/2004/QĐ-BTM về Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại, 2004)
[2] (Nghị định số 15/2018/NĐ-cp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm , 2018)