Vấn đề lớn nhất mà hầu hết các doanh nghiệp và hộ kinh doanh gặp phải, đó là thiếu hụt nguồn vốn, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Vì thế, các chủ thể này cần có các giải pháp nhằm tăng cường vốn kinh doanh.
- Thứ nhất, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán lẻ nên mở rộng hợp tác với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng vì đây là nguồn cung vốn rất lớn mà các doanh nghiệp bán lẻ cần phải tận dụng. Muốn vậy đặc biệt là các doanh nghiệp cần tạo dựng nên hình ảnh và uy tín cho mình, tính toán kỹ lưỡng để đưa ra các phương án kinh doanh khả thi và đảm bảo trả gốc và lãi đúng thời hạn.
- Thứ hai, đối với các doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Ở nước ta thị trường cổ phiếu mới phát triển do vậy các doanh nghiệp cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác nguồn vốn từ thị trường này. Để có thể tham gia vào thị trường này các doanh nghiệp bán lẻ phải cổ phần hoá doanh nghiệp, để thu hút được các nhà đầu tư doanh nghiệp phải cho họ thấy rỏ những lợi ích mà nhà đầu tư có thể nhận được trong dự án. Phải tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bằng những kết quả mà doanh nghiệp đã đạt được trong thời gian qua, cũng như triển vọng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư.
- Thứ ba, các doanh nghiệp cần tăng cường mở rộng quy mô thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp trong ngành. Đây là xu hướng của thị trường bán lẻ trong những năm tới, không chỉ là để mở rộng kinh doanh, mà còn là biện pháp thiết thực để nâng cao khả năng cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc liên kết các doanh nghiệp trong ngành một mặt sẽ nhanh chóng mở rộng quy mô của doanh nghiệp không phải tốn các chi phí cho quá trình đầu tư mở rộng sản xuất. Mặt khác sẽ tận dụng được những kinh nghiệm của nhau để phát triển, tận dụng được thị trường hiện có của doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian cho việc mở rộng thị trường.
Bên cạnh việc huy động được nguồn vốn để duy trì sự phát triển của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh bán lẻ, thì việc các chủ thể này tạo lập mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung ứng và các doanh nghiệp vận tải. Người cung ứng là những người cung cấp hàng hoá cho các doanh nghiệp bán lẻ, do vậy việc tạo lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng đảm bảo nguồn cung hàng cho doanh nghiệp luôn ổn định, cũng có thể doanh nghiệp sẽ mua được hàng với giá rẻ hoặc hưỡng mức chiết khấu cao hơn. Đồng thời, doanh nghiệp cần lựa chọn đơn vị vận tải có uy tín, có trách nhiệm để đảm bảo rằng hàng không bị hư hỏng khi đi trên dường vận chuyển và khi doanh nghiệp có nhu cầu phải đáp ứng một cách nhanh nhất. Các doanh nghiệp bán lẻ cũng phải thận trọng khi lựa chọn nhà vận tải để không phải phụ thuộc quá nhiều vào nhà vận tải ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đầu tư đầy đủ cho hệ thống kho bãi chứa hàng để đảm bảo được tốt nhất chất lượng các sản phẩm, hàng hóa.
Nguồn nhân lực và quản lý cùng là một yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành bại trong kinh doanh. Do đó phải có kế hoạch bồi dưỡng đào tạo các nhà quản trị trong doanh nghiệp. để họ có thể tiếp cận và học hỏi các phương pháp quản lí hiện đại về áp dụng cho doanh nghiệp. Thu hút những người lao động có trình độ về với doanh nghiệp. Ngoài ra, bán lẻ là một ngành rất đặc thù vỡ nó là hỗn hợp của sản phẩm và dịch vụ, để làm hài lòng khách hàng, ngoài yếu tố sản phẩm, chất lượng phục vụ cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn. Do đó cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng, không chỉ nắm được những thông tin về sản phẩm để tư vấn cho khách hàng khi cần thiết, mà cần nâng cao kỹ năng bán hàng, tận tình giới thiệu, tư vấn và giải đáp những thắc mắc cho khách. Bên cạnh các hoạt động mua bán, tư vấn trực tiếp, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng nên đẩy mạnh việc kinh doanh qua thương mại điện tử, có những quy định, chính sách chặt chẽ về vấn đề này để đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng cũng như uy tín của mình, tránh những trường hợp xảy ra tranh chấp không đáng có.
Khách hàng là yếu tố chính trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ. Do đó doanh nghiệp cần nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, tâm lý khách hàng, thị trường tiêu thụ để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với từng đối tượng và từng địa phương. Nên mở rộng hệ thống cửa hàng, tiếp cận gần hơn đến những khu vực mà người dân có nhu cầu, đặc biệt là phát triển them tại những khu vực ngoại thành và nông thôn. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng hơn nữa tới các chiến dịch quảng cáo, marketing, bổ sung thêm các dịch vụ cũng tạo ra những hiệu ứng rất tích cực trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ, do đó cần mở rộng các dịch vụ này để phục vụ khách hàng tốt hơn và thu hút khách đến với doanh nghiệp.
Như vậy, về phía doanh nghiệp và các hộ kinh doanh bán lẻ cần học hỏi kinh nghiệm của các thị trường bán lẻ khác trên thế giới cũng như của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đồng thời có các giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực trạng phát triển của từng doanh nghiệp, đổi mới công nghệ áp dụng để nâng cao năng suất lao động và đảm bảo lợi ích của khách hàng.
Ngay cả việc thực hiện quy hoạch cũng cần phải chi tiết để doanh nghiệp dễ thực hiện, bây giờ các doanh nghiệp trong nước rất khó thuyết phục các địa phương trong việc triển khai kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là về đất đai. Nhưng rất nhiều địa phương có tâm lý thích vốn FDI, cứ doanh nghiệp nước ngoài là dễ dàng được tin tưởng và chấp nhận. Trong khi doanh nghiệp trong nước vốn đã nhỏ yếu, tiếp cận được đất đi có khi mất 3-5 năm, thậm chí muốn có vị trí kinh doanh phải tham gia đấu giá với chi phí cực lớn. Còn doanh nghiệp nước ngoài họ được phép thuê đất, thậm chí nếu có mua họ cũng có đủ nguồn lực để tham gia. Vì thế, nếu không có quy hoạch và những chính sách tạo đà cho doanh nghiệp trong nước thù khó mà cạnh tranh nổi.
Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần đẩy mạnh việc phân bổ nguồn lực, tạo sự cân đối giữa các vùng miền, đặc biệt là ở miền núi và nông thôn. Tạo điều kiện để người dân những vùng này có thể tiếp cận với những tiện ích mới, đảm bảo được quyền lợi trong tiêu dùng, đồng thời có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống bán lẻ ở các tỉnh đặc biệt trong tình hình cả xã hội đang cố gắng gồng mình khắc phục nền kinh tế sau khi bị đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng trầm trọng như: áp dụng mức thuế ưu đãi, cho thuê đất với giá ưu đãi… Trong tương lai, mặc dù các hình thức bán lẻ hiện đại được dự báo sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tuy nhiên hình thức chợ truyền thống vẫn không thể thay thế, do tập quán xưa tới nay của người Việt, 90% các bà nội trợ Việt Nam vẫn mua đồ ở các chợ truyền thống. Do đó, cần có định hướng để duy trì và phát triển hình thức bán lẻ này như: cải tạo không gian chợ, đa dạng hóa các mặt hàng để phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội.
Đặc biệt cần tạo môi trường pháp lý chặt chẽ, rõ ràng, rành mạch trong lĩnh vực cạnh tranh và thương mại điện tử, tạo điều kiện để thành lập Hiệp hội siêu thị, Hiệp hội các nhà bán buôn, bán lẻ. Xây dựng mô hình thương mại hiện đại tại Việt Nam do người Việt Nam điều hành và một số chuyên gia nước ngoài hỗ trợ quản lý khai thác, nhằm mục tiêu: tạo thế cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn bán lẻ của nước ngoài để giành thị phần trong nước đang được cho là việc làm cần thiết hiện nay./.