Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 – 2025 được Bộ Công Thương ban hành kèm theo Quyết định số 3620/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2020 với nhiều nội dung quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng một cách tốt nhất.
Ngay sau khi được phê duyệt, Đề án đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ người tiêu dùng, các chuyên gia và đặc biệt là hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ. Đa số ý kiến cho rằng Đề án thể hiện tính nhân văn và hứa hẹn sẽ là công cụ cần thiết để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để hưởng ứng Đề án này, hàng loạt doanh nghiệp đã có những hành động, cam kết cụ thể.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, việc đảm bảo sự an toàn cho sản phẩm từ nguyên liệu đến thành phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu được doanh nghiệp quan tâm trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đại diện Công ty TNHH Acecook Việt Nam cho biết, để đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn cho sản phẩm, Acecook thường xuyên thực hiện đánh giá nhà cung cấp, kết hợp kiểm tra nguyên liệu đầu vào chặt chẽ; có phòng thí nghiệm hiện đại đạt chuẩn để kiểm tra những chỉ tiêu khó như dư lượng thuốc trừ sâu, GMO. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động áp dụng hệ thống quản lý toàn diện như HACCP, ISO, BRC, IFS…
Đồng quan điểm đặt quyền lợi người tiêu dùng lên hàng đầu, ông Nguyễn Quang Đức, Giám đốc Marketing Hệ thống siêu thị điện máy Pico – chia sẻ, để đảm bảo quyền lợi cho NTD, Pico luôn niêm yết giá sản phẩm cùng các thông tin liên quan đến sản phẩm. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên tại hệ thống siêu thị sẽ tư vấn, hướng dẫn trả lời mọi thắc mắc về sản phẩm cho khách hàng. Sau khi bán hàng, bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ lắng nghe và giải quyết các trường hợp phát sinh để bảo hành đối với sản phẩm lỗi, sản phẩm hỏng…theo đúng cam kết của hệ thống. Từ đó, dần dần từng bước hoàn thiện và đảm bảo tốt nhất quyền của người tiêu dùng.
Đánh giá cao tính cần thiết của Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Maxko Việt Nam nhận định, Đề án này giống như công cụ giúp doanh nghiệp đến gần với trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng hơn bao giờ hết.
“Tôi hiểu rằng việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng là quy định bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm như chúng tôi. Còn Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giúp chúng tôi xây dựng văn hóa kinh doanh, hướng đến người tiêu dùng, cộng đồng một cách chủ động hơn, văn minh hơn, hiệu quả hơn”, ông Mạnh nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Trưởng ban Chăm sóc khách hàng, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, Vinamilk đã đưa ra những tiêu chuẩn cao nhất cho sản phẩm và sự an toàn của sản phẩm về chất lượng. Chất lượng là một yếu tố vượt trội, sản xuất sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, luôn đa dạng hóa các sản phẩm và cung cấp các sản phẩm giá cả tốt, chất lượng quốc tế nhưng giá cả Việt Nam để phục vụ người tiêu dùng.
“Vinamilk cũng rất quan tâm đến chất lượng dịch vụ, dịch vụ bảo quản và vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn nhất để người tiêu dùng có thể sử dụng với chất lượng cao nhất”, bà Phụng nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng nhấn mạnh, việc phát triển bộ tiêu chí doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ trong khuôn khổ Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng sẽ góp công lớn trong việc thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì người tiêu dùng của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng./.