Những mô hình thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam

Thương mại điện tử (TMĐT) đã không còn quá xa lạ với người tiêu dùng. Sự bùng nổ mua sắm trực tuyến trên không gian mạng, đặc biệt vào các dịp lễ giảm giá đã tạo nên cú huých mua sắm lớn và chuyển đổi hành vi mua sắm cho toàn bộ Gen Z- tệp khách hàng tương lai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng lần lượt gia nhập các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới hòng tiếp cận nguồn khách hàng toàn cầu. Vậy mô hình kinh doanh thương mại điện tử hiện nay như thế nào. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số mô hình thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

TMĐT bao gồm nhiều loại mô hình kinh doanh khác nhau, mà tùy theo tiêu chí phân loại thì các mô hình TMĐT được gọi tên khác nhau.

  • Phân loại theo đối tượng tham gia vào giao dịch

Căn cứ vào các đối tượng tham gia vào giao dịch thì hiện nay có nhiều mô hình TMĐT khác nhau. Biểu 1 dưới đây thể hiện một số mô hình TMĐT đã và đang phát triển phổ biến trong giai đoạn hiện nay.  

Biểu 1. Một số mô hình TMĐT phổ biến hiện nay

Bên tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ
NTD (C)Doanh nghiệp (B)
Bên cung ứng hàng hóa, dịch vụNTD (C)C2C Ví dụ: Ebay, <www.enbac.comC2B Ví dụ: Những người làm việc tự do cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp thông qua các trang web như <www.vlance.vn> hay <www.freelancerviet.vn>. 
Doanh nghiệp (B)B2C Ví dụ: Những nhà bán lẻ như Lazada, Tiki, SendoB2B Ví dụ: Alibaba
Chính phủ (G)G2C Ví dụ: Các cổng thông tin trực tuyến của chính phủ như (www.dichvucong.gov.vn)G2B Ví dụ: Các trang mạng trực tuyến về hoạt động mua sắm của chính phủ như  <http://muasamcong.mpi.gov.vn/>

Cụ thể:

  • B2B bao gồm các hoạt động kinh tế, thương mại giữa các doanh nghiệp với nhau, như giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp bán buôn, hay giữa doanh nghiệp bán buôn và doanh nghiệp bán lẻ.
  • B2C bao gồm các giao dịch giữa doanh nghiệp và NTD. Các giao dịch này có thể diễn ra hoàn toàn thông qua các mạng điện tử, hoặc qua hệ thống thương mại hữu hình truyền thống, hoặc có thể là sự kết hợp của cả hai dạng thức.
  • C2C bao gồm các giao dịch thương mại giữa NTD với nhau qua một bên thứ ba (hay một nhà cung cấp nền tảng thương mại trực tuyến), thường là theo dạng đấu giá, trong đó nhiều NTD cùng đấu giá để giành quyền được mua một hàng hoá, dịch vụ nhất định. Bên nhà cung cấp nền tảng trực tuyến, ví dụ như Ebay hay Én bạc sẽ tính một mức phí cố định, hay nhận được phần trăm hoa hồng tuỳ theo mức giá cuối cùng.
  • C2B là việc NTD (các cá nhân) cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho các doanh nghiệp. Ví dụ nổi bật nhất của mô hình kinh doanh này là nền kinh tế việc làm tự do (“gig economy”) trong đó những người chuyên làm việc tự do bán thời gian sẽ đề xuất cung cấp các kiến thức, kỹ năng và thời gian, sức lực của họ để hoàn thành các công việc cụ thể cho các doanh nghiệp qua các trang web như <www.vlance.vn> hay <www.freelancerviet.vn>.
  • G2B bao gồm các giao dịch kinh tế thương mại giữa một bên là chính phủ, các cơ quan nhà nước và một bên là các doanh nghiệp tư nhân, điển hình là thông qua các hoạt động mua sắm của chính phủ.
  • G2C bao gồm các giao dịch giữa một bên là các cơ quan công quyền và một bên là các cá nhân, NTD, như việc thực hiện các dịch vụ công.
  • Phân loại theo đặc thù sản phẩm và bản chất kinh tế của mô hình kinh doanh

Căn cứ vào đặc thù sản phẩm và bản chất kinh tế thì các mô hình kinh doanh TMĐT được chia thành ba loại, mỗi loại đều có tính kinh tế thị trường khác nhau, cụ thể bao gồm:

  • Mô hình kinh doanh hàng hóa hữu hình: là mô hình kinh doanh TMĐT mà đối tượng kinh doanh là các hàng hóa hữu hình, bao gồm các sản phẩm đòi hỏi áp dụng một số hình thức giao hàng hoặc hiện diện thực tế để tiêu thụ. Nhiều sản phẩm hữu hình được bán trực tuyến giống hệt với những sản phẩm được bày bán trên kệ của các cửa hàng truyền thống, điểm khác biệt duy nhất là sản phẩm có thể được tìm hiểu và mua trực tuyến. Amazon là công ty nổi bật nhất đã sử dụng mô hình này để cung cấp các sản phẩm hữu hình mà hầu hết trong số đó cũng có sẵn ở các nhà bán lẻ truyền thống trên toàn cầu (ban đầu là mô hình TMĐT từ doanh nghiệp đến NTD B2C). Đáng chú ý, Amazon bắt đầu từ một nhà phân phối sách trực tuyến nhưng đã nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang một mảng gần như gồm các mặt hàng hữu hình khác được bán cho khách hàng thông qua internet. Sau đó, Amazon cũng đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và phân phối lại cho các doanh nghiệp, đồng thời là nhà bán lẻ truyền thống với các cửa hàng bách hóa và gian hàng trưng bày sản phẩm Whole Foods.
  • Mô hình trung gian: là mô hình kinh doanh TMĐT cung cấp dịch vụ cho khách hàng (thường tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua hàng hóa khác) thông qua một giao diện trực tuyến thay cho vai trò của người trung gian đối với việc tìm hiểu và mua hàng hóa hoặc dịch vụ. Giao diện trực tuyến theo mô hình trung gian thường thay thế tác nhân của con người, dẫn đến những lợi ích và thách thức đối với trải nghiệm của người dùng. Ví dụ, dịch vụ du lịch và khách sạn có thể được mua bằng cách thanh toán cho đại lý du lịch hoặc bằng cách truy cập trực tuyến và sử dụng Orbitz. Các dịch vụ chia sẻ chuyến đi như Uber hay Lyft bố trí các phương tiện cho thuê khác nhau và cung cấp cho NTD một phương thức khác để gọi xe ngoài dịch vụ taxi truyền thống. Trong cả hai trường hợp này, mục tiêu của NTD khi tham gia với một trong hai dịch vụ (đại lý du lịch so với dịch vụ đặt phòng trực tuyến, công ty taxi và ứng dụng Lyft) là như nhau, nhưng bản thân dịch vụ về cơ bản là khác nhau.
  • Mô hình kinh doanh sản phẩm tiêu dùng trực tuyến: Có một số loại sản phẩm trực tuyến hoàn toàn được mua và tiêu dùng trực tuyến. Ví dụ, nhiều dạng sản phẩm có nội dung truyền thông như video, nhạc, sách, có thể được truy cập và sử dụng trực tuyến một cách trực tiếp. Do chi phí duy trì và phân phối các sản phẩm nội dung số này thường thấp và việc tạo ra các nội dung truyền thông này được thực hiện bởi các bên thứ ba riêng biệt ở thị trường thượng nguồn, giá trị mà nhà cung cấp này tạo ra thường nằm ở nội dung tổng hợp mà khách hàng mong muốn được thụ hưởng cùng lúc ở một địa điểm, gây áp lực buộc nhà cung cấp cung cấp các nội dung “phải có” và thường tạo ra doanh thu thông qua quảng cáo hơn là đăng ký hoặc trả tiền cho mỗi lần xem, đọc hoặc nghe. Ví dụ, dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotify kết nối NTD với nhà cung cấp nội dung nhưng cũng kết nối nhà quảng cáo với NTD. Nền tảng tạo ra doanh thu từ các đăng ký dịch vụ cao cấp không có quảng cáo cũng như doanh thu từ các nhà quảng cáo trên dịch vụ miễn phí của nền tảng. Sau đó, nền tảng chi trả tiền bản quyền cho các nhà cung cấp nội dung.

Đặc biệt hơn trong bối cảnh TMĐT hay nền kinh tế số hoá hiện nay là sự xuất hiện, nổi lên của mô hình kinh tế nền tảng (“platform business”). Kinh tế nền tảng là thuật ngữ chung để chỉ các hoạt động kinh tế thương mại được tiến hành trên các nền tảng kỹ thuật số. Những nền tảng (“platforms”) này có thể được xem như người mai mối (“matchmaker”) trực tuyến hay khung công nghệ số trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, giúp chia sẻ thông tin, lưu thông dữ liệu và kết nối giữa nhà sản xuất, nhà cung ứng và khách hàng, NTD. Mô hình kinh doanh này mở rộng quan hệ B2C truyền thống thành B2B2C, hoặc B2C2C, v.v. Một số nền tảng TMĐT nổi bật hiện nay ở Việt Nam có thể kể đến như Grab, Gojek, Shopee, Skyscanner, Agoda, Chudu24, Airbnb, Tiki, v.v. Các nền tảng kỹ thuật số này mang tới cho NTD nhiều lựa chọn hơn, tạo cơ hội cho các nhà cung cấp nhỏ lẻ tiếp cận khách hàng, giảm chi phí giao dịch và tăng hiệu quả kinh doanh. Nhưng chúng cũng dẫn tới những vấn đề mới trong việc bảo vệ NTD sẽ được trình bày chi tiết hơn ở phần sau. 

Hình 1. Minh họa nền tảng trung gian trực tuyến

Căn cứ vào các hình thức tổ chức hoạt động TMĐT, thì hoạt động TMĐT có thể được phân loại thành các hình thức như sau:

  • là website TMĐT do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT).
  • Website cung cấp dịch vụ TMĐT: là website TMĐT do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ TMĐT bao gồm các loại sau:

a) Sàn giao dịch TMĐT;

b) Website đấu giá trực tuyến;

c) Website khuyến mại trực tuyến;

d) Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

(Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT).

Ứng dụng di động: ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện tử có nối mạng cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ. Tùy theo tính năng của ứng dụng đó mà thương nhân, tổ chức phải tuân thủ các quy định về website TMĐT bán hàng hoặc website cung cấp dịch vụ TMĐT của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT./.