Những vi phạm phổ biến liên quan đến lĩnh vực bán lẻ hàng hóa được người tiêu dùng phản ánh Tổng đài 1800.6838

Theo số liệu thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương, năm 2021, Cục đã tiếp nhận tổng cộng 1.261 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng có nội dung liên quan tới lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, số lượng đơn, thư phản ánh về các nội dung tranh chấp hoặc dấu hiệu vi phạm liên quan đến lĩnh vực bán lẻ đồ điện tử gia dụng, mặt hàng tiêu dùng thường ngày chiếm khoảng 45% trong tổng số đơn, thư được tiếp nhận.

Những vi phạm thường thấy của các nhà cung cấp, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ có thể liệt kê ra như dưới đây:

– Vi phạm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ: hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng; hàng giả; hàng nhái; thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng hàng hóa không đảm bảo hoặc không đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của người tiêu dùng.

– Vi phạm về bảo hành hàng hóa: cam kết bảo hành bằng miệng mà không cung cấp giấy chứng nhận bảo hành; phiếu bảo được viết sơ sài, không quy định cụ thể các điều khoản áp dụng và miễn trừ; đổ lỗi hỏng hóc cho người tiêu dùng để không phải thực hiện bảo hành, hoặc nếu có sửa chữa thì cũng làm qua loa, cố tình kéo dài thời gian sửa chữa làm tốn thời gian, công sức của người tiêu dùng.

– Quảng cáo, khuyến mại không trung thực, lừa dối người tiêu dùng: Nhiều hàng hóa, dịch vụ được sử dụng những từ quảng cáo để “gây sốc” cho người tiêu dùng như “Số 1 thế giới”, “Chất lượng trên cả kỳ vọng”, “Chuyên gia hàng đầu thế giới/ Việt Nam”, “Bán giá gốc”, hoặc “Mua hàng và chắc chắn có quà tặng” hay “Mua một tặng một”, “Mua và bốc thăm chắc chắn trúng thưởng”… Tuy nhiên, thực tế, hàng khuyến mại, quà tặng trúng thưởng đó không có giá trị sử dụng gì đối với người tiêu dùng; hoặc sản phẩm thực tế khi sử dụng không mang lại bất kỳ hiệu quả hay tính năng vượt trội như những gì được giới thiệu, quảng cáo.

– Gian lận thương mại về trọng lượng, số lượng, xuất xứ và hạn sử dụng của sản phẩm: sản phẩm bị thiếu hụt về trọng lượng, số lượng khi đóng gói sẵn; việc mập mờ, gian lận về xuất xứ hàng hóa; tẩy xóa thời hạn sử dụng hoặc bán hàng hóa quá hạn sử dụng. Tình trạng bán cũng diễn ra thường xuyên, đặc biệt các sản phẩm được đóng gói sẵn, ví dụ hộp bánh bên ngoài bao bì thì khi là 300 gam nhưng bên trong đó nhét rất nhiều tấm lót để gia tăng trọng lượng.

          – Cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác; không có sự cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa: Không hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản sản phẩm, hàng hóa dẫn đến người tiêu dùng không biết cách bảo quản hàng hóa hoặc sử dụng sai mục đích ảnh hưởng đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.

          Ngoài các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đơn, thư được tiếp nhận đã phản ánh về các hành vi vi phạm pháp luật khác nhưng có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người tiêu dùng, cụ thể:

          – Vi phạm liên quan đến giá bán hàng hóa tại các cơ sở bán lẻ: không thực hiện đúng quy định về niêm yết giá như: không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ hoặc niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lần cho người tiêu dùng; hoặc lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai để tăng giá bán hàng hóa cao hơn giá niêm yết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm (rau, mì tôm, thịt lợn,…), đồ dùng y tế, phòng chống dịch (khẩu trang, bình xịt khuẩn,…)

          – Vi phạm liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại tại các cơ sở bán lẻ: thực hiện chương trình khuyến mại nhưng chưa xuất trình được các giấy tờ có liên quan theo quy định; hoặc không thông báo/đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện hoạt động khuyến mại hoặc thực hiện chương trình khuyến mại không đúng như đã thông báo./.