Quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bán hàng trực tiếp qua điện thoại tại Hoa Kỳ

    Bán hàng trực tiếp được Ủy ban thương mại liên ban Hoa Kỳ định nghĩa là “các hình thức kinh doanh dựa trên việc bán hàng trực tiếp giữa người với người tại các địa điểm không phải là cơ sở bán lẻ, chẳng hạn như các nền tảng truyền thông xã hội, tại nhà của nhân viên bán hàng hoặc địa điểm của khách hàng tiềm năng[1]. Bán hàng thông qua điện thoại (hay tiếp thị qua điện thoại) cũng được xem là một loại hình trong bán hàng trực tiếp sử dụng nền tảng truyền thông tại Hoa Kỳ.

    Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban thương mại liên ban Hoa Kỳ (FTC) đã ban hành Quy tắc bán hàng thông qua điện thoại (TSR – Telemarketing sale rule) và Luật chống lạm dụng và lừa đảo người tiêu dùng qua điện thoại (TCFPA – Telemarketing and Consumer Fraud and Abuse Prevention Act). Quy tắc bán hàng thông qua điện thoại TSR được ban ban hành lần đầu năm 1995 và sửa đổi năm 2003, 2008, 2010 và 2015.

     Hệ thống văn bản nêu trên cung cấp công cụ pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (FTC) cũng như các luật sư trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, chống lại các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thông qua tiếp thị điện thoại. Đồng thời, Đạo luật cũng tạo lập cơ sở pháp lý để người tiêu dùng nhận diện các hành vi gian lận, xâm hại tới quyền lợi chính đáng của mình.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

    Bộ Quy tắc TSR và Luật TCFPA quy định bất kỳ tổ chức, cá nhân thực hiện bán hàng trực tiếp bằng điện thoại hoặc tham gia vào quá trình bán hàng trực tiếp bằng điện thoại đều phải tuân thủ quy định tại TCFPA.

    Để bảo vệ toàn diện quyền lợi người tiêu dùng, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng được quy định theo nguyên tắc tác động tới quyền lợi người tiêu dùng Hòa Kỳ.

    Việc áp dụng Đạo luật không căn cứ vào chiều cuộc gọi (gọi đến cho người tiêu dùng hay người tiêu dùng gọi đến), công nghệ vận hành hệ thống điện thoại, địa điểm người gọi trong hay ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Thay vào đó, việc áp dụng Đạo luật căn cứ vào đối tượng tác động của cuộc gọi là người tiêu dùng Hoa Kỳ.

    Ngoài ra, FTC cho rằng, việc mở rộng quy định về đối tượng tác động là “doanh nghiệp” và “cá nhân” thay vì “người bán hàng” hay “nhân viên telesale” nhằm tạo điều kiện pháp lý để điều chỉnh các các nhân không tham gia vào quá trình bán hàng nhưng lại trục lợi từ thông tin mà người tiêu dùng đã cung cấp trong quá trình đàm phán. Ví dụ như, Đạo luật áp dụng cả với tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân viên bán hàng qua điện thoại truy cập trái phép vào hệ thống thẻ tín dụng bằng các thông tin mà khách hàng đã cung cấp trong quá trình giao dịch.

    Tuy nhiên, TSR cũng như TCFPA có loại trừ những nhóm đối tượng điều chỉnh như sau:

  • Ngân hàng, tổ chức tín dụng liên ban và các quỹ liên ban;
  • Dịch vụ vận chuyển đường dài, như vận tải hàng không, vận tải đường biển,…
  • Tổ chức phi lợi nhuận;
  • Các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tiếp thị điện thoại cho các nhóm đối tượng nêu trên.

Quy định cấm về hành vi xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng

    Luật TCFPA quy định cấm các tổ chức, các nhân thực hiện những hành vi như sau[2]:

  • Cung cấp thông tin sai sự thật;
  • Cấm hình thức điện thoại tiếp thị tự động;
  • Cấm các hành vi cung cấp hóa đơn trái phép;
  • Cấm bên thứ ba hỗ trợ người tiếp thực hiện hành vi truy cập thẻ tín dụng trái phép.

Quy định khác liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp

    Ngoài ra, để đảm bảo hoạt động bán hàng trực tiếp qua điện thoại không xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng, Đạo Luật đã quy định những nội dung khác như sau:

  • Thông tin cơ bản yêu cầu khách hàng cung cấp nhằm thực hiện giao dịch;
  • Thời gian tối đa thực hiện tiếp thị sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng qua điện thoại;
  • Người thực hiện tiếp thị qua điện thoại phải cung cấp thông tin ID trước khi tiến hành tiếp thị;
  • Chính sách bảo mật thông tin của người tiêu dùng;
  • Quy định về giới hạn thanh toán đối với một số sản phẩm, dịch vụ nhất định;
  • Thời gian doanh nghiệp lưu giữ phần ghi âm giữa người tiếp thị và khách hàng.

Quy định về xử phạt hành vi vi phạm

    Tổ chức, cá nhân vi phạm Đạo Luật này sẽ bị mức tiền xử phạt dân sự lên đến 46.517 Đô la Mỹ. Tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể phải bồi thường cho người tiêu dùng đã bị xâm hại tới quyền lợi do hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân gây ra. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có thể phải chịu các lệnh cấm khác trên toàn quốc.

              Hành vi vi phạm Quy tắc bán hàng qua điện thoại[3]

Quy tắc bán hàng qua điện thoại TRS quy định người tiêu dùng có quyền không bị làm phiền bởi các dịch vụ tiếp thị điện thoại bằng cách thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia “Do not call”. Theo đó, cá nhân kinh doanh không được phép gọi tiếp thị tới những người tiêu dùng đã đăng ký số điện thoại lên cơ sở dữ liệu “Do not call”. TRS cũng cấm doanh nghiệp gọi tự động tới người tiêu dùng khi chưa có sự cho phép của người tiêu dùng, mặc dù hai bên đang ký kết giao dịch.

FTC đã cáo buộc rằng Công ty California đã xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thông qua hành vi tạo điều kiện hoặc hỗ trợ cho tổ chức/cá nhân thực hiện tiếp thị qua điện thoại tới các khách hàng đã đăng ký số điện thoại lên cơ sở dữ liệu quốc gia “Do not call”. Thậm chí, Công ty California còn thực hiện các cuộc gọi tự động tới người tiêu dùng, bao gồm cả những người đang là khách hàng cảu California.

FTC yêu cầu tòa án áp dụng các hình phạt dân sự đối với hành vi vi phạm của Công ty California và tổ chức/cá nhân tham gia vào hành vi vi phạm nêu trên.

Theo ông Tony West, trợ lý Luật sư, Phòng dân sự của Bộ Tư pháp: Quy tắc bán hàng qua điện thoại, bao gồm cả Cơ sở dữ liệu “Do – not – call” nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng từ hàng loạt cuộc gọi tiếp thị mà người tiêu dùng không có nhu cầu nhận cuộc gọi cũng như không có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm/dịch vụ được tiếp thị. Hơn thế nữa, Ông Tony còn đưa ra quan điểm “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với FTC để xác định mức phạt đối với hành vi vi phạm nêu trên”.

[1] https://www.ftc.gov/enforcement/statutes/telemarketing-consumer-fraud-abuse-prevention-act

[2] https://www.justice.gov/opa/pr/us-files-suit-against-california-company-allegedly-violating-telemarketing-sales-rule

[3] https://www.justice.gov/opa/pr/us-files-suit-against-california-company-allegedly-violating-telemarketing-sales-rule