Quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong mô hình kinh tế nền tảng

Trách nhiệm của các doanh nghiệp trong mô hình kinh tế nền tảng, do tính mới mẻ của nó, vẫn còn là vấn đề chưa được nhiều quốc gia trên thế giới giải quyết/quy định đầy đủ, thoả đáng, trong đó có cả Việt Nam.

Tại Việt Nam, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong TMĐT chỉ mới được bước đầu quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT và chi tiết hoá bởi Thông tư số 59/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương về quản lý hoạt động TMĐT qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Theo Điều 36 của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm đưa ra “cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch TMĐT được thực hiện chính xác, đầy đủ”, “lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch TMĐT và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan”, “áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của NTD”, và đặc biệt là “công bố công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT. Khi khách hàng trên sàn giao dịch TMĐT phát sinh mâu thuẫn với người bán hoặc bị tổn hại lợi ích hợp pháp, phải cung cấp cho khách hàng thông tin về người bán, tích cực hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Còn trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch TMĐT là “tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi NTD và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT” (Điều 37).

Thông tư 59/2015/TT-BCT có đi sâu chi tiết hơn, khi đưa ra các định nghĩa cụ thể thế nào là ứng dụng di đông, ứng dụng bán hàng, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT, ứng dụng sàn giao dịch điện tử, v.v. Theo đó, các doanh nghiệp sở hữu ứng dụng bán hàng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD trong hoạt động TMĐT trên ứng dụng di động bằng cách tuân thủ các nghĩa vụ về bảo vệ thông tin cá nhân của NTD; thông báo cho NTD về việc ứng dụng của mình sẽ thu thập những thông tin gì trên thiết bị di động khi được cài đặt và sử dụng; không được phép mặc định buộc NTD phải sử dụng các dịch vụ đính kèm khi cài đặt và sử dụng ứng dụng của mình; đồng thời phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi NTD và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ (Điều 5).

Trong khi đó, doanh nghiệp sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT có trách nhiệm xây dựng và công bố trên ứng dụng đó những thông tin sau: (a) Phạm vi trách nhiệm của thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng trong những giao dịch được thực hiện qua ứng dụng này; (b) Quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch được thực hiện qua ứng dụng; (c) Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến giao dịch được thực hiện qua ứng dụng; (d) Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng ứng dụng theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP; và (đ) Biện pháp xử lý với các hành vi xâm phạm quyền lợi NTD trong giao dịch thực hiện qua ứng dụng (Điều 6). Tuy nhiên, có thể thấy là theo các quy định này, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong mô hình kinh tế nền tảng phần lớn chỉ giới hạn chung chung ở chỗ tuân thủ pháp luật, công bố thông tin, công bố trách nhiệm, và hỗ trợ giải quyết tranh chấp khi phát sinh tranh chấp với NTD. Quy định pháp lý lỏng lẻo này có thể cho phép các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng/ứng dụng TMĐT đẩy phần lớn trách nhiệm sang cho doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, cung ứng hàng hoá, hay cơ quan chức năng. Trong khi đó, phần lớn NTD khi tham gia các website/sàn giao dịch TMĐT hay sử dụng ứng dụng TMĐT trên điện thoại di động, hầu hết đều chỉ biết tới các doanh nghiệp cung cấp nền tảng/ứng dụng, và không nhận thức được rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, hay việc họ phải làm gì, gặp ai khi phát sinh tranh chấp. Các cơ quan thực thi và áp dụng luật cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi vận dụng các quy định chung chung này trong các trường hợp cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh phải đẩy mạnh nguyên tắc bảo vệ NTD như bên yếu thế hơn trong các giao dịch kinh tế-thương mại. Đây chính là một dạng “đem con bỏ chợ” có thể gây suy giảm lòng tin của NTD trong lâu dài, không có lợi cho sự phát triển của TMĐT nói chung cũng như công tác bảo vệ NTD trong TMĐT nói riêng./.