Chọn mua nhiều hơn các sản phẩm có yếu tố xanh, lựa chọn các phương thức tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường, sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm có yếu tố bền vững… đang là những thay đổi tích cực trong xu hướng tiêu dùng được nhiều doanh nghiệp nắm bắt.
Không còn dừng lại ở những nỗ lực đơn lẻ từ một số doanh nghiệp hay người tiêu dùng, đến nay, mục tiêu xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững đã trở thành chiến lược quốc gia, được đề cập trong nhiều chính sách, pháp luật.
Thực hiện Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 của Bộ Công Thương, năm 2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã xây dựng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ, theo đó, ngoài những trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng theo luật định, còn đề cập đến các tiêu chí bổ sung để đánh giá mức độ đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, trong đó có các tiêu chí đánh giá việc thực hiện chính sách thúc đẩy kinh doanh thân thiện môi trường, tiêu dùng bền vững tại doanh nghiệp.
Ảnh: Toàn cảnh Tọa đàm
Ngày 22 tháng 11 năm 2022, cũng trong khuôn khổ Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phối hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bán lẻ tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thúc đẩy tiêu dùng xanh: Trách nhiệm của doanh nghiệp”.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Cao Xuân Quảng – Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục CT&BVNTD, Bộ Công Thương cho biết ngày 01 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có đưa ra khái niệm về tiêu dùng xanh, bền vững.
Cụ thể, “tiêu dùng xanh, bền vững” là việc mua, sử dụng, tuyên truyền hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường và không gây nguy cơ cho sức khỏe con người để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi sử dụng ít hơn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại, đồng thời giảm phát thải và chất gây ô nhiễm trong chu trình sống, không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên và không làm tổn hại tới việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau.
Trong số các mục tiêu cụ thể, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt ra mục tiêu “Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững”, cụ thể là xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới. Theo đó, các mục tiêu chủ yếu hướng đến việc tăng tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (95%), mước thải đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định (50%); tăng tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng, tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sách tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I; tỷ lệ mua sắm công xanh (35%), phát triển đô thị thông minh bền vững.
Các chuyên gia là đại diện một số doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu tham gia Tọa đàm đã chia sẻ về quá trình điều chỉnh mô hình sản xuất, mô hình bán lẻ, chiến lược phân phối, kế hoạch tăng trưởng để đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” vì lợi ích của người tiêu dùng./.