Trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông, các cơ sở bán lẻ phải đảm bảo chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn không tránh khỏi hàng hóa phát sinh khuyết tật gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản của người tiêu dùng. Khi đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh buộc phải thực hiện trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật theo quy định của Luật nhằm ngăn chặn, hạn chế và khắc phục những hậu quả xảy ra. Khuyết tật của hàng hóa có thể là do nhà sản xuất không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nhưng cũng có thể là do yếu tố kỹ thuật tại thời điểm sản xuất chưa thể phát hiện được khuyết tật của hàng hóa. Ngoài ra, trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật không phụ thuộc vào hậu quả mà hàng hóa đó gây ra cho người tiêu dùng. Trong nhiều trường hợp, hàng hóa phát sinh khuyết tật nhưng khuyết tật đó không ảnh hưởng nhiều đến tính năng, công dụng của hàng hóa nhưng việc thu hồi vẫn là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của nhà sản xuất mà còn có thể là trách nhiệm của nhà nhập khẩu. Các cơ sở bán lẻ hiện nay đã mở rộng các mặt hàng không chỉ là hàng sản xuất trong nước mà còn có hàng hóa nhập khẩu. Do đó, nếu hàng hóa nhập khẩu có khuyết tật thì cũng cần truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan.
Hàng hóa có khuyết tật là gì?
Theo khoản 3 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 định nghĩa về hàng hóa có khuyết tật như sau:
– Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm:
+ Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật;
+ Hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ;
+ Hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.
Như vậy, theo như định nghĩa phía trên thì hàng hóa bị lỗi là hàng hóa có khuyết tật.
Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm gì?
Theo Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 thì khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm:
– Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường;
– Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông với các nội dung sau đây: Mô tả hàng hóa phải thu hồi; lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra; thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa; thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa; các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa;
– Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi;
– Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi; trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Trung ương.
Khi sản phẩm hàng hóa có khuyết tật thì người bán có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không?
Theo Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra như sau:
– Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này.
– Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
+ Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa;
+ Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa;
+ Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa;
+ Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
– Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Như vậy, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tậ