Các thông tin về người bán, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của người tiêu dùng và các vấn đề phát sinh có liên quan. Với sự bất đối xứng về thông tin, người tiêu dùng thường lựa chọn, quyết định giao dịch dựa trên các thông tin, hình ảnh sản phẩm do người bán cung cấp, quảng bá trên sàn thương mại điện tử. Quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nếu các thông tin do nhà bán cung cấp không đầy đủ, trung thực, chính xác. Sàn giao dịch TMĐT là trung gian, thiết lập các nguyên tắc, quy chế hoạt động sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sàng lọc người bán, sàng lọc thông tin về hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, quảng cáo trên sàn nhằm đảm bảo các thông tin được đưa đến người tiêu dùng là khách quan, trung thực và đầy đủ.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử đối với người tiêu dùng do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức ngày 14 tháng 12 năm 2023 và được phát sóng trên kênh VTC14 vào ngày 19 tháng 12 năm 2023, ông Nguyễn Bình Minh – Trưởng ban Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, số lượng người bán gia nhập thị trường lớn, tăng lên nhanh chóng, theo đó, số lượng sản phẩm được giao dịch lớn, hay nói cách khác là vòng đời của sản phẩm trong môi trường thương mại điện tử càng ngày càng ngắn hơn. Do đó, nếu xảy ra sự cố, sai sót, đặc biệt là những sai sót do thông tin không chính xác cũng sẽ dẫn đến những tác hại rất lớn đối với người tiêu dùng và xã hội. Bởi vậy, việc định danh, sàng lọc người bán là hết sức quan trọng.
Để mở gian hàng và đăng bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Shopee, ông Phan Mạnh Hà – Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Shopee cho biết, nhà bán phải đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí Shopee đặt ra, như: (i) các chỉ số vận hành của nhà bán phải đạt tối thiểu 90% quy chuẩn của Shopee; (ii) nhà bán không có sản phẩm vi phạm, không nhận được “sao quả tạ” khi được đánh giá bởi người mua trên sàn Shopee; (iii) nhà bán phải đảm bảo tiêu chí về cộng đồng, nội dung thông tin đăng bán sản phẩm không chứa các từ ngữ “dung tục”, phản cảm; (iv) các sản phẩm đăng bán không vi phạm quy định về hàng giả, hàng nhái hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và (v) nhà bán khi đăng bán sản phẩm phải đảm bảo tính chính danh, nghĩa là nhà bán phải có giấy phép kinh doanh đối với những mặt hàng kinh doanh có điều kiện; giấy phép, chứng từ nhập khẩu, chứng nhận về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của sản phẩm.
Ngoài các công cụ sàng lọc tự động, thì báo cáo, đánh giá, phản hồi của người mua về người bán, về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã mua trên sàn cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Những nội dung này đã được bổ sung vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Theo đó, Điều 10 và Điều 39 của Luật quy định một số nội dung sau liên quan đến trách nhiệm sàng lọc người bán và cơ chế hiển thị phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng trên sàn giao dịch TMĐT, cụ thể như:
- Xác thực danh tính của người bán sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ, bao gồm cả người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT của mình;
- Cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT;
- Hiển thị đầy đủ, chính xác kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về tổ chức, cá nhân kinh doanh, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội;
- Không sử dụng biện pháp ngăn hiển thị kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên nền sàn giao dịch TMĐT, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội;
Có biện pháp cho phép hiển thị ưu tiên đánh giá, phản ánh, kiến nghị của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tổ chức đánh giá tín nhiệm theo quy định của pháp luật…/.