Bán hàng trực tiếp – lĩnh vực được lựa chọn để xây dựng và áp dụng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong năm 2021

    Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định là một trong những mục tiêu cụ thể được đề ta trong Đề án “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 -2025”.

    Lĩnh vực kinh doanh mà Đề án ưu tiên hướng đến trong năm 2021 là ngành bán hàng trực tiếp.

    Bán hàng trực tiếp là quá trình bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng (khách hàng sử dụng cuối cùng) mà không thông qua các hệ thống cơ sở bán lẻ hiện hữu về mặt vật lý như cửa hàng, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại… Tại Việt Nam, lĩnh vực bán hàng trực tiếp bao gồm nhiều hình thức kinh doanh khác nhau, như bán hàng đa cấp, bán hàng tận cửa,…

    Trong thời gian vừa qua, hoạt động bán hàng trực tiếp gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam, điển hình là loại hình bán hàng đa cấp. Mặc dù đối mặt với khó khăn từ dịch bệnh Covid-19, tổng doanh thu bán hàng đa cấp toàn ngành năm 2020 tăng trưởng 22,8% so với năm 2019, đạt khoảng 15.538 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam

    Đóng góp vào sự phát triển kinh tế, thu hút đông đảo người tiêu dùng tham gia mua bán sản phẩm, sử dụng dịch vụ, lĩnh vực bán hàng trực tiếp đang được xã hội nói chung và cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, theo dõi. Do vậy, trong khuôn khổ Đề án “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 – 2025”, Bộ Công Thương lựa chọn lĩnh vực bán hàng trực tiếp làm trọng tâm cho các hoạt động của Đề án, bao gồm mục tiêu xây dựng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng.

    Để phù hợp với thực tiễn, Bộ tiêu chí không chỉ được xây dựng dựa trên quy định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng mà còn dựa trên các đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp, từ đó trở thành thành công cụ hiệu quả giúp doanh nghiệp tự đánh giá, soi chiếu cũng như hoàn thiện hoạt động kinh doanh nhằm tuân thủ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

    Ngoài ra, về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ tiêu chí cũng được xem như là công gián tiếp trong việc định hướng doanh nghiệp tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và tại lĩnh vực bán hàng trực tiếp nói riêng.