Tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng từ trách nhiệm của doanh nghiệp

    Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức. Với vai trò là người quyết định mua, chi trả và sử dụng hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng sẽ cân nhắc lựa chọn dựa trên các yếu tố về chất lượng, giá cả của hàng hóa, dịch vụ và phương thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ tới người tiêu dùng. Nói cách khác, người tiêu dùng đóng vai trò cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng là tiền đề để doanh nghiệp thành công trong kinh doanh.

    Một trong những cách thức tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng là thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, kể cả sau bán hàng; minh bạch thông tin cung cấp cho khách hàng; đảm bảo chính sách bảo hành; có trách nhiệm với hàng hóa khuyết tật; cung cấp tài liệu chứng minh giao dịch;…  Đây là các trách nhiệm của doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    Điều này có nghĩa, khi doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là doanh nghiệp đang tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, hướng đến kinh doanh bền vững.

    Để hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, Bộ Công Thương ban hành Đề án “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” giai đoạn 2021 – 2025.

    Tham gia vào chương trình, doanh nghiệp không chỉ được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn được tư vấn để sử dụng Bộ tiêu chí đánh giá “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”. Bộ tiêu chí này được xem là công cụ để đo doanh nghiệp tự lường niềm tin của người tiêu dùng đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.

    Hơn thế nữa, Đề án còn hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp thực hiện khảo sát người tiêu dùng về mức độ hài lòng đối với hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp. Thông qua kết quả khảo sát, doanh nghiệp có thể điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao thang điểm trong Bộ tiêu chí nêu trên. Từ đó, với sự nỗ lực trong việc thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, doanh nghiệp được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn trong tiêu dùng.