Bàn luận về định hướng điều chỉnh một số quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bán lẻ nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng

Nhìn chung, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có quy định cụ thể, chi tiết về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ. Những nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã được xây dựng cơ bản phù hợp với những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được ban hành và có hiệu lực, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành hàng loạt nghị định, thông tư, quyết định của Thủ tướng Chính phủ… để hình thành một hệ thống văn bản tương đối hoàn chỉnh điều chỉnh để thực thi vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, đáng chú ý có các nghị định hướng dẫn thi hành Luật, nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính hay các quyết định của Thủ tướng Chính phủ han hành và điều chỉnh danh sách hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Tuy nhiên, một số quy định hiện nay đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thi hành.

Thứ nhất, quy định về chất lượng hàng hóa được cung cấp tại các cơ sở bán lẻ còn chưa đầy đủ. Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích chưa được điều chỉnh bởi quy định cụ thể. Hiện nay, nhiều siêu thị vẫn đưa vào bày bán tại hệ thống các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, nơi sản xuất… gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng (VCCA, 2021)[1]. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa tại các hệ thống không đồng đều do không có quy định chi tiết về cho các sản phẩm được bày bán tại siêu thị. Do đó, xảy ra tình trạng một số hệ thống siêu thị thu hút được lượng lớn khách hàng, trong khi đó những siêu thị khác không thu hút được khách hàng. Vì vậy, cần sớm có quy định về tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích để đồng bộ về chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc mua hàng hóa tại các siêu thị. Cùng với đó, quy định về điều kiện kinh doanh siêu thị cũng vẫn còn chung chung, chưa có văn bản hướng dẫn. Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM về việc ban hành Quy chế siêu thị, Trung tâm thương mại đã không còn phù hợp trong tình hình thực tế. Do vậy, cần ban hành văn bản pháp luật để cụ thể hóa các quy định về điều kiện kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện ích để đảm bảo các siêu thị, cửa hàng tiện ích thực sự có chất lượng, đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu mua sắm, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (Pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh doanh siêu thị, 2015)[2].

Thứ hai, chủ thể chịu trách nhiệm thu hồi hàng hóa khuyết tật là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trong một số trường hợp, việc xác định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa là không dễ dàng. Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Thông qua quá trình truy xuất nguồn gốc, việc xác định chủ thể sản xuất, chế biến, phân phối sẽ nhanh chóng, dễ dàng hơn, từ đó quy trách nhiệm cho chủ thể đó thu hồi cũng như bồi thường do hàng hóa khuyết tật gây ra (Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi hàng hóa khuyết tật theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, 2018)[3]. Do vậy, cần bổ sung quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi hàng hóa khuyết tật. Bên cạnh đó, việc không tiến hành biện pháp thu hồi hoặc thu hồi không kịp thời hàng hóa khuyết tật có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã có quy định về trách nhiệm và mức phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thu hồi hàng hóa có khuyết tật. Các hành vi vi phạm quy định về thu hồi hàng hóa khuyết tật có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cao cho xã hội, đặc biệt là đối với hàng hóa được sản xuất theo dây chuyền hàng loạt, hoặc việc sản xuất ngày càng được công nghệ hóa, hiện đại hóa. Do đó, các lỗi trên đơn vị hàng hóa có ảnh hưởng tới lượng lớn hàng hóa trong một đợt sản xuất, phân phối trên phạm vi lớn. Để xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng thì nên quy định biện pháp xử lý hình sự đối với các vi phạm gây ra thiệt hại tài sản lớn, tổn thất sức khỏe, tính mạng của nhiều người, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra, thực tế cho thấy phần lớn các vụ thu hồi sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp tự phát hiện và tự nguyện thu hồi. Tuy nhiên, khi phát hiện ra khuyết tật của hàng hóa, doanh nghiệp sẽ né tránh do chi phí phát sinh về thu hồi, sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ảnh hưởng lớn đến tài chính của doanh nghiệp. Để thúc đẩy các doanh nghiệp tự nguyện thu hồi hàng hóa khuyết tật cần có các quy định về rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Thứ ba, khi xảy ra tranh chấp giữa người tiêu dùng và cơ sở bán lẻ, phương thức giải quyết hòa giải và thương lượng thường được lựa chọn để giải quyết. Tuy nhiên, kết quả hòa giải hay kết quả thương lượng không có giá trị pháp lý cao, không được các bên nghiêm túc thực hiện. Trong khi đó, phương thức trọng tài và tòa án không được lựa chọn nhiều do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc kéo dài, chi phí xử lý cao. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản. Các quy này còn mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của pháp luật dân sự (Pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh doanh siêu thị, 2015)[4]. Thực tế hiện nay chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng thủ tục đơn giản trong giải quyết vụ việc liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục cụ thể cho giải quyết đơn kiện của người tiêu dùng tại Tòa án theo thủ tục đơn giản.

Thứ tư, trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ sở bán lẻ và bên thứ ba vẫn chưa chặt chẽ. Các cơ sở bán lẻ chưa quan tâm nhiều đến những quy định của pháp luật đối với trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ hoặc phải giải thích rõ ràng những điều kiện giao dịch cho người tiêu dùng khi ký hợp đồng. Ngoài ra, quy định xử phạt vi phạm về vấn đề cung cấp thông tin hàng hóa còn thấp, chưa đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa. Ví dụ: đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ; quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng,…bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Mức phạt này chưa tương xứng với những khoản lợi nhuận mà các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm có được từ hành vi vi phạm (Lê Thị Hải Ngọc, Phạm Lê Ngọc Hoàng, 2020)[5]. Do vậy, cần tăng mức phạt hành chính đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng./.


[1] VCCA, Định hướng hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, 2021

[2] Nguyễn Thanh Hiếu, Pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh doanh siêu thị, Luận văn Thạc sĩ, 2015

[3] Phạm Thị Hạnh, Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi hàng hóa khuyết tật theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, 2018

[4] Nguyễn Thanh Hiếu, Pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh doanh siêu thị, Luận văn Thạc sĩ, 2015

[5] Lê Thị Hải Ngọc, Phạm Lê Ngọc Hoàng, Thực trạng pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin sản phẩm hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh và một số giải pháp hoàn thiện, 2020